MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số trường đại học tại Đà Nẵng sẽ bắt đầu tuyển sinh kỹ sư thiết kế vi mạch từ năm 2024. Ảnh: VKU

Tuyển sinh ngành vi mạch nhưng lo không có người học, sinh viên thất nghiệp

THÙY TRANG LDO | 31/01/2024 12:44

Năm 2024, Đại học Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng là một trong số các trường đại học tại TP Đà Nẵng sẽ bắt đầu tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường lại lo không có người học, sinh viên ra trường còn có thể thất nghiệp vì chưa thấy doanh nghiệp nào tuyển dụng.

Ông Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng Đại học Việt Hàn, Đại học Đà Nẵng - cho biết năm 2024, trường sẽ tuyển dụng sinh viên ngành thiết kế vi mạch với những hỗ trợ về học phí, học bổng cho sinh viên có điểm trúng tuyển cao, hỗ trợ kí túc xá… Nhà trường cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất là các phòng thực hành, thí nghiệm và hợp tác với các doanh nghiệp trong việc đưa sinh viên về thực tập.

Tuy nhiên để đào tạo được nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn với số lượng vài chục nghìn người như kỳ vọng của Chính phủ và của thành phố thì không phải một trường đại học có thể làm được.

Ông Pháp nêu thực tế, hiện nay có rất ít trường có thể tuyển sinh đào tạo ngành vi mạch, mỗi khóa cũng chỉ vài trăm sinh viên nên vai trò của Chính phủ và thành phố trong việc thúc đẩy đào tạo bằng cơ chế chính sách rất quan trọng, để nhiều trường, nhiều tổ chức cùng tham gia đào tạo với các khóa dài hạn, ngắn hạn, đào tạo chính quy, tập huấn...

Riêng chính sách dành cho người học hiện nay trong đề án phát triển nguồn nhân lực của TP Đà Nẵng cũng chưa nêu rõ những ưu đãi cho lĩnh vực này như học phí. Người học vẫn phải tự lo, các trường đại học hiện nay đa phần tự chủ cũng không thể có nguồn kinh phí thêm để hỗ trợ.

Việc mời các chuyên gia vi mạch nước ngoài về các trường giảng dạy đang gặp khó. Ảnh: Đại học Việt Hàn

Vậy thành phố cần có hỗ trợ ưu đãi tín dụng, thu hút người học như cho vay vốn. Bên cạnh đó, cần có phương án cụ thể để giữ chân nhân tài. Hiện tại Đà Nẵng có nhiều sinh viên đi TPHCM, đi nước ngoài học rồi ở lại đó không trở về.

“Thành phố phải có cơ chế làm sao để sinh viên giỏi chọn Đà Nẵng học, ở lại làm việc. Vậy thì cần có cơ chế tài trợ học phí cho con em Đà Nẵng, thu hút sinh viên khu vực miền Trung bằng hỗ trợ chỗ ở. Cụ thể là có thể hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho 1 sinh viên chẳng hạn, tạo động lực để thu hút người học” - ông Pháp đề xuất.

Bên cạnh đó, vấn đề việc làm sau tốt nghiệp của các sinh viên cũng khiến các trường đại học lo lắng.

“Sau năm 2025, trường sẽ có những kỹ sư thiết kế vi mạch học chuyển đổi từ các ngành gần tốt nghiệp nhưng liệu có bao nhiêu doanh nghiệp có thể tuyển dụng họ. Vậy thì thành phố phải hỗ trợ để kết nối đầu ra, tránh cho việc sinh viên ra trường không có việc làm, phải đi khắp nơi tìm việc.

Bởi thực tế hiện nay, khảo sát trên các trang tuyển dụng của thành phố không có đơn vị nào tuyển cả thì trường cũng rất lo lắng” - ông Pháp cho hay.

Một khó khăn nữa của các trường hiện nay là việc tiếp nhận viện trợ và mời chuyên gia nước ngoài về giảng dạy.

Nêu ví dụ thực tế, nhà trường đã có một tổ chức cho 5 triệu USD để đào tạo sinh viên ngành vi mạch, trí tuệ nhân tạo nhưng tổ chức này không có giấy phép hoạt động ở Việt Nam mà theo quy định thì nhà trường không được tiếp nhận. Phía tổ chức kia chờ đợi thủ tục lâu quá thì chắc cũng không hỗ trợ nữa. Nếu vấn đề này không được tháo gỡ thì các trường không thu hút được nguồn tài trợ. Trong khi nguồn lực của các trường có hạn.

Chưa hết, việc thu hút nhân lực giỏi là các chuyên gia về trường giảng dạy mà visa hiện không dễ dàng. Nhiều chuyên gia mất rất nhiều tháng mới có được giấy tờ nhập cảnh. Câu chuyện này dẫn đến việc trường đại học lo chuyên môn mà suốt ngày đi làm thủ tục.

“Thành phố cần đưa ra tiêu chí hỗ trợ kinh phí, chỗ ở cho những chuyên gia nước ngoài, làm cơ sở dữ liệu về chuyên gia và dự báo nguồn nhân lực tuyển dụng để các trường cùng nắm được thông tin mà tuyển sinh, mời chuyên gia đến giảng dạy” - ông Pháp đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn