MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Nguyễn Khắc Hải Long giành HCB kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế 2020. Ảnh: NVCC

Ước mơ tạo năng lượng sạch của chàng trai giành HCB Olympic Vật lý quốc tế

Phạm Đông - Kim Anh LDO | 19/12/2020 20:39

Mơ ước của chàng trai vừa giành HCB Olympic Vật lý quốc tế là mong muốn sau này có thể phát triển công nghệ năng lượng sạch để giúp toàn thế giới có thể sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Vật lý bắt đầu với những câu hỏi vì sao

Nguyễn Khắc Hải Long (sinh năm 2003, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội), học sinh lớp 12 chuyên Lý trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm là 1 trong 5 học sinh vừa giành huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IdPho 2020).

Yêu thích môn Vật lý ngay từ khi còn nhỏ, Hải Long luôn mong muốn tìm hiểu những thứ xung quanh mình được vận hành theo cách như thế nào.

“Ngày bé em đã sớm được tiếp cận những cuốn sách thường thức về khoa học như 10 vạn câu hỏi vì sao, 1001 phát minh vĩ đại của thế giới, hay cả những quyển sách về thiên văn vũ trụ. Những cuốn sách ấy luôn có một thứ ma lực kì diệu lôi cuốn em và khiến em không thể ngừng đọc và luôn đặt ra những câu hỏi tại sao”, Hải Long chia sẻ.

Hải Long có 3 năm học cấp hai theo học chuyên Toán hệ THCS tại trường THPT chuyên Amsterdam. Đến năm lớp 9 Hải Long quyết định chuyển hướng theo học chuyên Lý, tham gia đội tuyển vật lý và đi theo con đường nghiên cứu sau này.

Nguyễn Khắc Hải Long (bên phải) có ước mơ tạo ra nguồn năng lượng sạch cho thế giới.

Chia sẻ về kì thi Vật lý Quốc gia năm nay, Hải Long cho biết, đề thi quốc tế năm nay lạ hơn, đòi hỏi sự sáng tạo cao hơn và trực giác, trí tưởng tượng tinh tế hơn so với năm ngoái.

“Trong bài thi em ấn tượng nhất với bài 1 phần lý thuyết. Trong đó có 3 bài nhỏ và mỗi bài đều cần suy luận, phân tích hiện tượng một cách sâu sắc và đưa ra những ý tưởng mới, không đi theo lối mòn. Mặc dù chỉ làm được trọn vẹn một bài nhỏ nhưng những bài còn lại đều khiến em cảm thấy vô cùng thích thú và mãn nguyện khi tìm ra lời giải”, Hải Long hào hứng chia sẻ.

Trước đó, Hải Long từng đoạt huy chương Đồng kỳ thi Vật lý châu Âu được tổ chức vào tháng 7 vừa qua. Đây là bước đệm để em được tuyển chọn thẳng vào kỳ thi Vật lý Quốc tế.

Học vật lý theo phong cách của một nhà triết học

Theo Hải Long, vật lý là niềm đam mê to lớn đối với em, vậy nên cách học để em giữ ngọn lửa đam mê đó cũng rất quan trọng.

“Em thích học vật lý theo phong cách của một nhà triết học, một người có tình yêu với sự minh triết. Em luôn tìm hiểu các khái niệm và hiện tượng bằng cách tìm ra những mối liên kết giữa những thứ tưởng chừng như không liên quan đến nhau. Từ đó em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ về chúng”, Hải Long chia sẻ.

Trước mỗi vấn đề, Long luôn đặt câu hỏi “Tại sao?”, đó là cách để trí tuệ em luôn rộng mở, không bị bó buộc với những công thức, dạng bài, cách làm cũ mà luôn sẵn sàng tư duy logic về mọi thứ mới.

Với Hải Long, để chắc chắn em đã hiểu rõ vấn đề, em sẽ tưởng tượng mình là một thầy giáo đứng lớp giảng bài cho những bạn nhỏ chưa có kiến thức về phần vật lý đó và viết một bài giảng để giảng sao cho các bạn ấy có thể hiểu tường tận và sâu sắc phần kiến thức đó.

Các học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2020.

Sắp tới, Hải Long đang gấp rút ôn thi cho kỳ thi đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý. Do ba kỳ thi tương đối gần, nên thời gian này Hải Long dành toàn bộ thời gian cho việc học tập, ôn thi để đảm bảo kết quả được tốt nhất.

Nói về dự định tương lai, Long quyết định theo học con đường nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về vật lý ứng dụng, mong muốn sau này có thể phát triển công nghệ năng lượng sạch để giúp toàn thế giới có thể sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Bà Nguyễn Xuân Hồng (mẹ của Hải Long) chia sẻ, Hải Long là một người luôn luôn tự gíác và có ý thức cao trong học tập. Với kết quả thủ khoa chuyên Lý của trường Chuyên Đại học Sư phạm năm lớp 10, em bắt đầu tham gia các đội tuyển của trường và bước vào hành trình chinh phục môn lý.

“Trong quá trình học, Hải Long thường xuyên xin tài liệu của các anh chị đi trước, tìm đọc sách vật lí của các trường đại học ở nước ngoài. Ngoài ra, Hải Long luôn tự tìm ra lỗ hổng cho bản thân để tự khắc phục nó. Tới đây tôi chỉ mong sao cháu có thể sớm hoàn thành ước mơ phát triển công nghệ năng lượng sạch”, bà Hồng cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn