MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học mới đang đến gần, mang theo nỗi lo của nhiều gia đình công nhân nghèo. Ảnh: Thiều Trang

Vay nợ khắp xóm để chuẩn bị cho con vào năm học mới

Phùng Nhung LDO | 29/08/2022 14:35

Hiện nhiều gia đình công nhân nghèo vẫn đang “mắc kẹt” trong mối lo về những khoản tiền chuẩn bị cho con vào năm học mới.

Đau đầu vì những khoản chi đầu năm học

Thở dài ngao ngán khi được hỏi "đã chuẩn bị gì cho con trong đầu năm học mới?", chị Lê Thị Hiền - công nhân khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết, gia đình đang trong giai đoạn khó khăn, các con chưa có gì cho năm học mới.

Vợ chồng chị Hiền làm cùng một công ty, nếu tăng ca và làm thứ 7, Chủ nhật đều đặn sẽ có đủ tiền sinh hoạt và lo cho 2 con ăn học.

Tuy nhiên, gần đây, công ty chỉ làm 8 tiếng, chị Hiền ngã xe gãy tay, phải nghỉ ở nhà cả tháng không lương, gánh nặng kinh tế đè lên vai người chồng.

"Hiện tại, tôi không đi làm được nên không có lương, chồng cũng không được tăng ca nên thu nhập giảm sút. Cả gia đình phải chi tiêu dè sẻn.

Chồng mới rút lương được 7 triệu nhưng đóng tiền nhà, tiền điện nước, tiền lãi ngân hàng chỉ còn dư 2 triệu. Các con tựu trường, chưa có bút vở, cặp sách mới, tôi lo lắm, còn bao nhiêu khoản phải đóng đầu năm học" - chị Hiền bộc bạch.

Cùng chung hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Nhã - công nhân tại khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc) rất lo lắng về các khoản phí đầu năm cho các con. Gia đình đông con lại có hoàn cảnh khó khăn, đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng không đủ để trang trải. 

"Tôi làm công nhân còn chồng ở nhà làm ruộng, chăn nuôi quanh năm. Thu nhập của gia đình khoảng 10-11 triệu đồng/tháng. Nhà có 2 cháu học đại học và một cháu học cấp 2.

Hai đứa lớn vừa đóng học phí hết 16 triệu đồng. Đứa nhỏ đầu năm sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cũng lên tới 2 triệu đồng.

Hiện nhà trường chưa yêu cầu đóng học, nhưng vài ngày nữa thì rất nhiều khoản phải chi. Cứ mỗi năm học mới đến là gia đình lại đau đầu vì tiền" - chị Nhã thở dài.

Chạy vạy khắp nơi

Tổng tất cả các khoản chi phí đóng góp ban đầu cho 3 đứa con trong năm học mới đã lên tới 18 triệu đồng, gia đình chị Nguyễn Thị Nhã còn phải lo tiền nhà trọ, sinh hoạt phí cho 2 con học đại học.

Để có tiền cho các con đi học, chị Nhã phải bán bò - tài sản giá trị nhất của gia đình trong thời điểm hiện tại. Thậm chí, chị còn phải đi vay mượn họ hàng để lấy tiền đóng học cho các con.

Hoàn cảnh của anh Lê Huy - công nhân khu công nghiệp Gang Thép (Thái Nguyên) cũng không khá khẩm hơn là bao.

Vợ anh Huy mới sinh xong nên chưa thể đi làm. Một mình anh chạy vạy lo cho 5 miệng ăn. Tiền bỉm sữa cho con nhỏ, cộng với tiền sắm sửa cho con gái lớn đang học lớp 8 và con gái thứ học lớp 3 đã "vét sạch" cả tháng lương của anh.

Vị phụ huynh này cho biết, đầu năm học là thời điểm phải lo nhiều thứ nhất, tiền đồng phục, sách giáo khoa, giày dép, đồ dùng học tập. Sắp tới còn phải đóng học phí đầu năm học mới.

Vì vậy, ngoài làm công nhân, anh Huy còn bán thêm quần áo nam trên mạng nhưng ế ẩm không có khách mua. Cả gia đình trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi.

"Có những lúc chưa có lương nhưng phải mua sắm cho các con, tôi buộc phải đi vay mượn, có những thời điểm bất lực vì “nợ như chúa chổm”, vay chỗ này để vá víu vào chỗ kia" - anh Huy thở dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn