MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện không ít học sinh, phụ huynh vẫn còn giữ quan niệm phân biệt môn chính - môn phụ. Những môn được chọn trong kỳ thi chuyển cấp thì phụ huynh ngầm hiểu đây là môn chính. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Vì sao có quan niệm phân biệt môn chính - môn phụ?

Bích Hà - Thiều Trang LDO | 19/03/2021 13:25
Việc vẫn còn tư duy phân biệt môn chính – môn phụ đã tác động không nhỏ đến cách dạy và học của giáo viên và học sinh.

Không có văn bản nào quy định môn chính – môn phụ

Những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã công bố kế hoạch cũng như các môn thi trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021-2022. Có địa phương chọn thi 2 môn Ngữ văn, Toán. Nơi lại thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Không ít địa phương cho học sinh thi 4 môn, trong đó có Toán, Văn, Ngoại ngữ là môn bắt buộc, môn thứ tư là môn chọn ngẫu nhiên trong các bộ môn: Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân.

“Học gì thi nấy” – đây là quan niệm của không ít học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Do vậy, ngay khi các địa phương công bố môn thi vào lớp 10, một phong trào tìm lò luyện, nơi ôn thi đã được các phụ huynh thực hiện, nhằm chuẩn bị cho con kiến thức để có thể tự tin bước vào kỳ thi.

Trong quá trình ghi nhận các ý kiến của phụ huynh và học sinh, chúng tôi đã không ít lần nghe thấy các cụm từ: Môn chính, môn phụ.

Có học sinh cho rằng, vì trước đây quan niệm các môn Toán, Văn, Anh là môn chính, nên dành nhiều thời gian để học hơn. Lịch sử và các môn còn lại là môn phụ, nên trên lớp chỉ học qua loa. Điều này dẫn đến tâm lý lo lắng, tìm đến lò luyện thi khi có thông tin Lịch sử là môn thi thứ tư trong kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội.

Vậy ngành giáo dục có quy định môn nào là môn chính, môn phụ không? Vì sao lại xuất hiện quan niệm môn chính – môn phụ trong tư duy của không ít người, dẫn đến hiện tượng học lệch, học tủ, “nhất bên trọng, nhất bên khinh”?.

Hiện nay vẫn còn tâm lý môn nào được chọn trong kỳ thi chuyển cấp thì chú trọng dạy và học môn đó. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy định của Bộ GDĐT, các môn học văn hóa trong nhà trường phổ thông, được phân phối với số lượng tiết ít nhiều khác nhau song lại đều có vị trí, vai trò gần như ngang bằng nhau tính theo hệ số, cùng góp phần định hướng, cung cấp những tri thức, kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết cho học sinh phổ thông. Không có quy định môn chính – môn phụ.

Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng khẳng định, đến nay trong ngành giáo dục không có văn bản nào quy định hay phân biệt môn chính, môn phụ.

Trong các nhà trường cũng không phân biệt môn nào là môn chính, môn học nào chỉ là phụ. Chỉ là những môn để thi trong kỳ thi vào lớp 10 như Toán, Văn, Anh thì được nhà trường quan tâm hơn. Phụ huynh cũng có quan niệm cho con đi học thêm những môn này để phục vụ cho kỳ thi và tự ngầm hiểu đây là môn chính.

“Hiện nay quan niệm của phụ huynh cũng thay đổi khá nhiều. Các cha mẹ đã quan tâm đến giáo dục thể chất, nghệ thuật nhưng vẫn có tâm lý chú trọng các môn đi thi như Toán, Văn, Anh”- cô Lý cho biết.

Vậy vì sao các địa phương thường chọn Toán, Văn, Ngoại ngữ là các môn thi trong kỳ thi đánh giá năng lực vào lớp 6, hay thi vào lớp 10?

Theo lãnh đạo Sở GDĐT một địa phương, chọn 3 môn này vì lâu nay, Văn và Toán là hai môn được coi là nền tảng của những môn học khác. Trong các kỳ thi, điểm của môn Toán, Văn thường được nhân 2.

Gần đây, nhiều địa phương đã bỏ quy định nhân hệ số 2 với các môn Văn, Toán, để môn học này bình đẳng với các môn học khác trong trường phổ thông. Nhưng hiện nay, bản thân phụ huynh vẫn còn giữ tâm lý coi trọng Văn, Toán, hiện nay thêm môn Ngoại ngữ hơn là các môn học khác. Vì coi trọng hơn, nên cũng dồn nhiều nguồn lực để mong muốn con học tốt những môn học này.

Chương trình GDPT mới thay đổi quan niệm môn chính – môn phụ

Là giáo viên dạy Mỹ thuật, thầy Lê Công Quý (Trường THCS Đông Văn, Thanh Hóa) cho biết, bản thân thầy cũng rất buồn khi phụ huynh, học sinh có tâm lý phân biệt môn chính – môn phụ. Học sinh thường chú trọng quan tâm, học các môn để phục vụ cho kỳ thi nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo thầy Công, chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GDĐT ban hành, bắt đầu triển khai từ năm học này với lớp 1 sẽ từng bước thay đổi suy nghĩ, quan niệm của giáo viên, phụ huynh và học sinh về “môn phụ - môn chính”.

Thầy Công ví dụ, trước đây, những môn Toán, Văn, Anh được coi trọng nhưng hiện tại tất cả các môn đều ngang hàng nhau, không phân biệt. Đặc biệt, ở THPT, thời lượng học mỗi môn học Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật tương đương thời lượng học các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học... Học sinh sẽ đều phải học như nhau và đều phải hoàn thành.

“Trong tất cả môn học phải hoàn thành hết tất cả các môn mới đạt danh hiệu học sinh giỏi hay học sinh tiên tiến”- thầy Công nói.

Ngoài ra, theo chương trình GDPT mới thì ở cấp THPT, học sinh sẽ được tự chọn học các môn theo sở thích, năng lực của mình, như có thể chọn các môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); hoặc nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); hoặc nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Vì thế, thầy Công cho rằng, bản thân mỗi giáo viên sẽ phải “nâng tầm” môn học của mình lên để học sinh hứng thú, lựa chọn và không coi đó là môn phụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn