MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên và học sinh huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Anh Tuấn

Vì sao hàng chục giáo viên Nghệ An chậm được chi trả tiền dạy thêm giờ?

QUANG ĐẠI LDO | 09/04/2024 08:37

Nghệ An - Năm học 2022-2023 đã kết thúc gần 1 năm, nhưng đến nay, hàng chục giáo viên môn Tiếng Anh huyện Tương Dương vẫn chưa được nhận tiền dạy thêm giờ.

Ngày 9.4, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Chủ tịch LĐLĐ huyện Tương Dương (Nghệ An) Lô Thị Kim Oanh cho biết, vừa qua đã có văn bản kiến nghị gửi lãnh đạo UBND huyện Tương Dương về việc trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên trên địa bàn.

Theo đó, để có căn cứ tính toán số giờ dạy thêm giờ, Phòng GDĐT huyện Tương Dương ban hành công văn số 48 hướng dẫn đối với bậc THCS tổng số tiết định mức là 37 tuần x 19 tiết = 703 tiết/năm; đối với trường bán trú THCS là 37 tuần x 17 tiết = 629 tiết/năm. Giáo viên nào dạy vượt số giờ nói trên mới được tính tiền dạy thêm giờ.

Hướng dẫn nói trên căn cứ Thông tư liên tịch số 07/2013 hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Tuy nhiên, Quyết định số 2159 của Bộ GDĐT quy định đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần). Do đó, nhiều trường hợp giáo viên dạy vượt giờ nhưng không được chi trả, bị thiệt thòi quyền lợi.

Ngoài ra, có hàng chục giáo viên môn Tiếng Anh và một số môn khác có số giờ dạy vượt giờ của năm học 2022-2023 đến nay vẫn chưa được thanh toán.

Từ đó, LĐLĐ huyện Tương Dương đề nghị lãnh đạo huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn có sự tham mưu thống nhất và kịp thời chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên.

Trao đổi với phóng viên, ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, có sự chậm trễ trong chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên, và vừa qua, huyện đã tổ chức 2 buổi làm việc với các đơn vị, cá nhân liên quan đến nội dung này.

“Vướng mắc ở chỗ là tổng biên chế giáo viên cấp THCS của huyện không thừa, trong khi một số môn đặc thù như Tiếng Anh lại thiếu giáo viên cục bộ, nên các giáo viên này phải dạy thêm giờ. Theo nguyên tắc tài chính chỉ chi trả tiền thừa giờ trong trường hợp thiếu biên chế. Vì vậy, căn cứ để chi trả tiền thừa giờ đang còn phải rà soát, nghiên cứu thêm” – ông Lô Thanh Nhất nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cũng khẳng định quan điểm là phải chi trả, thanh toán tiền thừa giờ cho các giáo viên, vì họ làm thật, dạy thật do yêu cầu nhiệm vụ.

Được biết, có hàng chục giáo viên trên địa bàn huyện Tương Dương (chủ yếu là môn Tiếng Anh) dạy thừa giờ trong năm học 2022-2023 với số tiền khoảng 700 triệu đồng.

Lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Tương Dương cho biết thêm, đang nghiên cứu tham mưu gỡ vướng mắc để chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên trên địa bàn. Còn về nội dung căn cứ tính toán định mức dạy của 1 giáo viên THCS trong năm học là 35 hay 37 tuần thì các phòng đang nghiên cứu để tham mưu chính xác.

“Quan điểm của chúng tôi là bảo đảm quyền lợi của giáo viên nhưng phải đúng quy định, đúng pháp luật để tránh những vấn đề không đáng có xảy ra sau này” – lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Tương Dương - nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn