MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Đại học Y Dược TPHCM vừa mới bổ nhiệm thêm hai phó hiệu trưởng nhưng vẫn chưa có hiệu trưởng. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Vì sao hàng loạt trường đại học "khuyết" hiệu trưởng?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 12/04/2021 13:12

Vị trí hiệu trưởng rất quan trọng vì thế có nhiều lí do khiến không ít trường đại học rơi vào tình trạng "khuyết" hiệu trưởng.

Theo các chuyên gia, cơ chế bổ nhiệm hiệu trưởng hiện đã rất mở nên không khó để chọn người ngồi “ghế nóng”, không thể tồn tại chế độ cứ “ngâm” mà không bổ nhiệm hiệu trưởng, kéo dài từ năm này đến năm khác.

“Tre già măng chưa kịp mọc”

Hiện tại, có cả hàng chục trường đại học đang “khuyết” vị trí hiệu trưởng. Thời gian khuyết hiệu trưởng kéo dài từ vài tháng đến cả vài năm. Đáng nói, câu chuyện này diễn ra ở nhiều trường cả công lập và ngoài công lập: Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Nông Lâm TPHCM, Đại học Luật TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, Đại học Hoa Sen, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Hùng Vương...

Chia sẻ về lí do chưa có hiệu trưởng, TS Đỗ Mạnh Cường – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết việc các trường đại học “khuyết” ghế hiệu trưởng không phải là điều bất thường vì trường nào cũng sẽ phải qua các thời điểm như vậy, điều quan trọng là sự hoạt động ổn định và phát triển của nhà trường.

“Tìm được một ứng viên thích hợp cho vị trí hiệu trưởng có những lúc sẽ phải cần thời gian, cố gắng tìm được người thích hợp nhất để bảo đảm được sự liên tục, ổn định cho sự phát triển của một cơ sở giáo dục. Vị trí hiệu trưởng là vị trí đứng đầu và có quyền tự chủ cho mọi quyết định của nhà trường nên trước khi được bổ nhiệm, họ cũng phải hiểu rất rõ đường hướng, lịch sử, triết lí, tư tưởng giáo dục của nhà trường và đơn vị chủ quản”, ông Cường phân tích.

Riêng với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TS Đỗ Mạnh Cường cho biết hiệu trưởng cũng sẽ sớm được bổ nhiệm trong thời gian tới.

Còn một lãnh đạo đang ngồi ghế quyền hiệu trưởng tại TPHCM cho biết: “Việc bồi dưỡng nhân lực không phải lúc nào cũng kịp thời, có nhiều lúc nhìn thấy “chín” mà không chín. Tre đã già mà măng chưa kịp mọc. Chuyện này trách tại sao không bồi dưỡng nguồn nhân lực để thay đổi lớp kế cận cũng được mà không trách cũng được. Nhiều khi chậm một chút để tránh chín ép, không bổ nhiệm những người ngồi vào ghế nóng nhưng lại chưa xứng tầm. Nếu không thực sự xứng đáng, không nhận được sự đồng thuận cao từ phía Hội đồng trường thì không nên bổ nhiệm”, vị này chia sẻ.

Trong khi đó, lãnh đạo một trường đại học ngoài công lập thì cho rằng, việc khuyết hiệu trưởng còn có thể do điều kiện làm việc và chính sách đãi ngộ chưa phù hợp để tuyển dụng được người tài.

Không nên để tình trạng kéo dài

Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT, hiệu trưởng có vai trò rất quan trọng, là người điều hành hoạt động thường xuyên của nhà trường và chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật, vì thế vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng. Thực tế có hạn chế trong hệ thống giáo dục của chúng ta lâu nay là có cơ chế tập trung quyền lực nên hiệu trưởng đại diện cho cơ quan chủ quản, vì thế phụ thuộc vào cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản mà chưa “ưng ý” thì hội đồng trường cũng khó bổ nhiệm.

“Cơ chế đã rất mở, hiệu trưởng không nhất thiết phải là công chức nên không khó để chọn hiệu trưởng, không nên để “ngâm ghế nóng” mà không bổ nhiệm hiệu trưởng, kéo dài từ năm này đến năm khác”, ông Khuyến nói.

Bổ sung thêm, ThS Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng, những nguyên nhân khiến một số trường hiện nay khuyết hiệu trưởng còn do nội bộ trong trường lục đục, Hội đồng trường không chịu bổ nhiệm hiệu trưởng hoặc như chưa có hội đồng trường nên không thể bổ nhiệm hiệu trưởng. Và vì vậy, để hiệu phó "kiêm nhiệm" luôn nhiệm vụ hiệu trưởng. Một nguyên nhân khác là một số trường có Hội đồng trường nhưng sắp hết nhiệm kỳ nên đợi nhiệm kỳ mới.

Theo các chuyên gia, về mặt nguyên tắc, trước khi hiệu trưởng cũ sắp nghỉ (khoảng 6 tháng), phải có phương án chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới. Nếu không tìm được người thay thế thì phải kéo dài thời gian của hiệu trưởng cũ hoặc đưa ra phương án tạm thời. Tuy nhiên, phương án tạm thời kéo dài 1-3 tháng chứ không thể kéo dài 2-3 năm. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển của trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn