MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áp lực học hành khiến học sinh mệt mỏi, thiếu ngủ. Ảnh: Hoài Nam

Vì sao học sinh kêu cứu: Hãy cho em được ngủ?

B. Hà LDO | 06/01/2018 10:04
Áp lực học tập, thi cử, điểm số đã khiến học sinh (HS) bị thiếu ngủ trầm trọng, cảm thấy mệt mỏi khi phải tới trường.

Những ngày qua, đề tài nghiên cứu của 2 nữ sinh Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy (Trường THPT Gia Định) về vấn đề thiếu ngủ của học sinh, tại chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học TPHCM năm học 2017-2018, đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Các em khảo sát với 7.363 học sinh ở các trường THPT trên địa bàn thành phố và thu được một số kết quả đáng báo động: Cứ 10 học sinh thì có đến 8 em gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ.

Có 81,8% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, có đến 13,7% học sinh ngủ dưới 5 tiếng. 44,1% học sinh không ngủ trưa. Thời gian học sinh đi ngủ từ 23h-0h chiếm tỉ lệ cao nhất với 39,8%, 20,7% học sinh đi ngủ sau 0h sáng, số học sinh đi ngủ trước 22h chỉ chiếm 8,6%.

Và lý do học sinh bị thiếu ngủ được 2 nữ sinh chỉ ra trong đề tài của mình là: Do áp lực học tập và ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ. Trong đó, áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến tình trạng thiếu ngủ của học sinh phổ thông.

Cụ thể, thiếu ngủ do chuẩn bị cho kỳ thi chiếm 90%; có bài kiểm tra vào ngày hôm sau là hơn 89%; làm bài tập và học bài là 86,8% và 62,1% là thời khóa biểu chưa hợp lý.

Trong dự án của mình, Trang và Vy cũng đề xuất các hoạt động để tuyên truyền về vai trò của giấc ngủ đến học sinh như phát hành cẩm nang “Đời dài đừng ngủ ngắn”, Bộ ảnh “Mối nguy hại của smartphone trước giờ ngủ” và “Hãy cho em ngủ”.

Giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra để khắc phục tình trạng thiếu ngủ của học sinh là: Đề nghị cơ quan chức năng lùi giờ học tiết đầu tiên, thay đổi thời khóa biểu cho phù hợp và quan trọng nhất là giảm bớt bài tập về nhà.

Tiếng “kêu cứu” của học sinh TPHCM đúng vào thời điểm trên cả nước xảy ra liên tiếp những vụ học sinh vì áp lực học hành, chán nản do không đạt được như kỳ vọng của bố mẹ đã tìm đến cái chết. 

Đây cũng là lời cảnh tỉnh gửi đến các bậc phụ huynh, nên lắng nghe, chia sẻ và không tạo áp lực thêm cho con cái, đồng thời là lời “kêu cứu” gửi đến ngành giáo dục, trong việc cần đẩy mạnh giảm tải trong việc học hành cho học sinh.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiện nay nhiều học sinh có xu hướng đến trường với nỗi lo lắng và sợ hãi. Chương trình học ôm đồm và áp lực từ các kỳ thi đã khiến học sinh vô cùng căng thẳng, thiếu ngủ. Trong khi đó học sinh ít được trang bị phương pháp học tập cũng như một số kỹ năng cần thiết nên càng học càng rối, nặng nề. Khi những áp lực này vượt qua khả năng chịu đựng của trẻ, hậu quả xảy ra sẽ rất nghiêm trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn