MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” như lời nhắc nhở về phong tục, thứ tự chúc Tết của người Việt. Ảnh minh họa: LĐO.

Vì sao nói "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy"?

Tường Vân LDO | 03/02/2022 09:28
Chúng ta vẫn luôn nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” nhưng ít ai hiểu rõ nguồn gốc sâu xa, ý nghĩa của câu nói này. 

Cô Lê Thị Hiền - giáo viên trường THCS Đông Anh (Thanh Hóa) chia sẻ rằng, với cô, ngày "Tết thầy" này được xem như là "ngày Nhà giáo Việt Nam" - cơ hội để biết bao thế hệ học trò tỏ lòng biết ơn đến những người "đưa đò".

Theo quan niệm xưa, ngày mùng 1 là ngày đầu tiên trong năm mới, có tính chất tượng trưng cho sự khởi đầu. Vì vậy, câu nói “mùng 1 Tết cha” chính là có ý nhắc nhở hướng về nguồn cội, cúng bái tổ tiên trước sau đó là thăm hỏi gia đình bên nội, cha mẹ; con cháu chúc Tết và nhận lì xì mừng tuổi đầu năm, cả gia đình sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm, vừa trò chuyện vui vẻ.

Sau khi thăm hỏi chúc Tết gia đình, họ hàng bên nội thì đến đến mùng 2 sẽ là bên ngoại. Những nghi thức cũng tương tự như ngày mùng 1 bên nhà nội, mọi người sẽ cùng quây quần để ăn bữa cơm năm mới, sau đó cùng nhau đi chúc tết họ hàng, xóm giềng.

Sau khi đã hoàn thành đạo hiếu với bố mẹ hai bên nội ngoại, những người đã có công sinh thành thì tiếp đến là thầy cô - những người có công dạy bảo chúng ta nên người. Đây cũng là ý nghĩa của câu nói "mùng 3 Tết thầy".

“Câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” là cách người Việt ta thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "tôn sư trọng đạo". Đây là nét đẹp truyền thống của người Việt đầu xuân năm mới" – cô Hiền phân tích.

“Mùng 3 Tết, các thế hệ học trò thường đến nhà  thầy cô giáo chúc Tết. (ảnh chụp trước đại dịch). Ảnh: NTCC.

Theo cô Hiền, ngày nay, nét đẹp truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn được lưu giữ. Tuy nhiên, do những thay đổi về sự phát triển của kinh tế, xã hội, môi trường, điều kiện đi lại, các mối quan hệ,… Hình thức thể hiện có sự điều chỉnh cho phù hợp.

“Thông thường, học trò về thăm thầy cô không nhất thiết vào ngày mùng 3 bởi bản thân thầy cô và gia đình các em có rất nhiều các mối quan hệ. Trong khoảng từ mùng 1 – 3, hầu như các gia đình đều dành nhiều thời gian bên gia đình, về quê, đi thăm hỏi bạn bè,.... Do đó, trò luôn hỏi các thầy cô khi nào có nhà để tụ tập sang thăm hỏi, chúc tết. Có thể là vào mùng 3, mùng 4, hay mùng 5,...

Riêng năm nay, do dịch bệnh nên việc chúc Tết, thăm hỏi cũng hạn chế. Thay vì trực tiếp gặp gỡ, tôi vẫn nhận được rất nhiều lời chúc của học trò từ phương xa gửi về. Đấy là những tình cảm mà tôi luôn trân quý”- cô Hiền chia sẻ.

Còn với cô Nguyễn Bích Vân - giáo viên tại 1 trường THPT trên địa bàn Hà Nội, ngày mùng 3 tết thầy mang ý nghĩa quan trọng, là dịp để thầy trò, bạn bè gặp lại nhau, cùng nhau hàn huyên, tâm sự những câu chuyện xưa với nhiều kỉ niệm đáng nhớ.

“Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người có quan niệm lệch lạc về câu nói “mùng 3 Tết thầy”, cho rằng phải chuẩn bị những món quà thật sang trọng, nặng về giá trị vật chất mới thể hiện lòng thành, sự biết ơn đến thầy cô.

Nhưng đối với giáo viên chúng tôi, tấm lòng của học trò luôn nhớ về thầy cô mới là điều trân quý nhất. Đôi khi chỉ cần lời chúc, tay bắt mặt mừng, cái ôm thắm thiết của bao thế hệ học trò, hay đơn giản chỉ là kết quả học tập của các em tiến bộ… cũng khiến chúng tôi có thêm thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và có thêm nghị lực để truyền lửa tới các thế hệ học sinh thân yêu” – cô Vân chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn