MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sẽ chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ.

Vì sao phải chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo thêm tiến sĩ?

Bích Hà LDO | 10/11/2017 16:07
Tại sao phải chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, trong khi có dư luận cho rằng Việt Nam đang xảy ra câu chuyện “lạm phát đào tạo tiến sĩ”, nhiều luận án chưa xứng tầm, tính ứng dụng trong thực tiễn chưa cao?

Bộ GD-ĐT vừa gửi tới các bộ, ngành, các trường Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” để lấy ý kiến.

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm chính là mục tiêu: Ngành giáo dục sẽ đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) trên tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH.

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 12.000 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%.

Câu hỏi đặt ra, tại sao phải chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, trong khi Việt Nam đang xảy ra câu chuyện “lạm phát đào tạo tiến sĩ”?

Đặc biệt thời gian qua, liên tục có những tranh cãi về việc tầm vóc đề tài tiến sĩ. Một số đề tài nghe “lạ tai” như: “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”, “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”, hay mới đây là “Nghệ thuật chữ trên bìa sách”… bị mang ra mổ xẻ, với những lo ngại về chuyện luận án tiến sĩ đang bị “bình dân hóa”.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước đã có hơn 24.000 tiến sĩ đang công tác, nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực. Trong đó hơn 16.500 tiến sĩ/72.792 người đang là giảng viên ở các trường ĐH.

Bộ GD-ĐT cho rằng, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH như vậy là thấp so với một số nước trong khu vực.

Bảng so sánh tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Việt Nam với một số quốc gia. (Nguồn: Bộ GD ĐT)

Ngoài ra chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn, khi nhiều cán bộ giảng viên không tham gia NCKH, kết quả nghiên cứu tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và công bố khoa học của các cơ sở giáo dục ĐH.

Vì những lý do đó, Bộ GD-ĐT cho rằng việc đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, đặc biệt việc cử giảng viên đi đào tạo tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới, là điều hết sức cần thiết.

Ngoài ra, mỗi năm người Việt Nam chi khoảng 3 tỉ USD cho du học ở nước ngoài. Bên cạnh chảy máu ngoại tệ còn là chảy máu chất xám, khi những tài năng đi du học và thường tìm kiếm cơ hội ở lại nước ngoài làm việc.

Bộ GD-ĐT kỳ vọng, thông qua đề án nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, chất lượng đào tạo gia tăng, các cơ sở giáo dục ĐH có cơ hội giữ ngoại tệ và người tài ở lại trong nước, qua đó gián tiếp đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nước nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn