MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân trên giảng đường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vinh quang Việt Nam 2023: PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - 10 năm góp phần phát triển năng lượng tái tạo nước nhà

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC LDO | 26/05/2023 08:36

Vinh quang Việt Nam 2023 - Từ chối lời mời tiếp tục phát triển sự nghiệp nghiên cứu khoa học tại trung tâm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới để trở về Việt Nam góp phần tham gia phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, xây dựng nền tảng cho thế hệ trẻ nối tiếp đam mê của mình - hơn 10 năm nỗ lực, những điều PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân ấp ủ đã dần thành hiện thực. Chị là tấm gương điển hình về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân hiện làm giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh; năm 2022 chị được Hội đồng giám khảo UNESCO và Quỹ L’Oréal trao giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới.

Từ chối cơ hội phát triển ở nước ngoài về nước hỗ trợ thế hệ trẻ

Chia sẻ với chúng tôi lí do quyết tâm trở về Việt Nam, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân kể, trong những năm học tập và đào tạo ở nước ngoài, chị  luôn suy nghĩ, sau khi học và làm việc ở các nước để tích lũy cho mình kiến thức, kĩ năng ở các nước có nền khoa học công nghệ phát triển, chị sẽ quay về Việt Nam. Khi được đề nghị ở lại trường để tiếp tục học nâng cao, nghiên cứu và giảng dạy, chị đã suy nghĩ rất nhiều.

“Nhiều trung tâm nghiên cứu lớn, tập đoàn năng lượng của các nước phát triển cũng rộng cửa chào đón. Trong khi đó, việc nghiên cứu năng lượng tái tạo tại Việt Nam lúc đó còn mới mẻ, nếu tiếp tục phát triển nghiên cứu của mình là một khoảng cách lớn nếu về nước” - PGS.TS Thanh Vân tâm sự.

PGS.TS Thanh Vân suy nghĩ, những gì học được tại đây, nếu chỉ mình giữ thì thật đáng tiếc; mình phải có trách nhiệm mang những kiến thức thu nạp được về Việt Nam. Bởi vậy, khi tiếp cận chân trời tri thức mới, chị không chỉ học hỏi kiến thức mà còn học hỏi mô hình triển khai tại các trung tâm nghiên cứu của các giáo sư.

“Tôi muốn xây dựng, phát triển các hướng đào tạo và nghiên cứu cho thế hệ trẻ Việt Nam và đóng góp cho nền khoa học công nghệ nước nhà” - PGS.TS chia sẻ.

Vài tháng đầu chị cũng vô cùng phân vân, nên chọn hướng nghiên cứu truyền thống có thể làm ngay trong điều kiện khoa học công nghệ của Việt Nam hay tiếp tục theo hướng nghiên cứu ở nước ngoài.

“Tôi mất khoảng 6 tháng để suy nghĩ hướng đi cho đam mê khoa học công nghệ của mình khi về nước. Tôi cũng băn khoăn làm sao có nguồn kinh phí để đầu tư cho các nghiên cứu hiện đại này. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ mình phải quyết tâm thay đổi, quyết tâm theo đuổi những mong muốn của mình cho khoa học công nghệ Việt Nam” - PGS.TS chia sẻ.

Thời điểm mới về Việt Nam, mức lương của chị một tháng chỉ mua được 1-2gr hóa chất, vật liệu nghiên cứu. Toàn bộ tiền lương kiếm được chị đều chắt chiu để dành cho nghiên cứu.

PGS.TS cho rằng, so với cách đây 10 năm, lúc chị mới về nước, giờ đây môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có nhiều thay đổi, tiến gần với thế giới, mọi người quan tâm tới khoa học công nghệ, nhiều nhà nghiên cứu có đóng góp nhất định, định vị được khoa học công nghệ của Việt Nam với thế giới.

Nhiều sinh viên, học sinh đã có thể xin được học bổng toàn phần sau đại học ở các nước phát triển, hay có cơ hội làm việc tại các trường, Viện nghiên cứu, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước hoặc đạt được thành tích xuất sắc trong khoa học công nghệ. Đây là niềm khích lệ cho người đưa đò như chị trên chặng đường dài.

Áp lực của một phụ nữ làm khoa học 

PGS Thanh Vân tâm sự, phụ nữ làm khoa học có những áp lực riêng bởi phụ nữ vẫn là người vợ, người mẹ trong gia đình. Trong khi đó, làm khoa học sẽ bị cuốn hút vào đam mê, vào guồng quay, không biết khi nào sẽ thành công vì đó là một con đường dài. Khi đã đam mê, muốn có thành công, người làm khoa học sẽ dành rất nhiều thời gian và vượt qua áp lực, thời gian cho bản thân, cho gia đình ít đi rất nhiều.

Chị Thanh Vân cũng cố gắng hết mức có thể để dành thời gian cho gia đình. Mỗi khi đi công tác, nhất là vào cuối tuần, chị thường đưa cả chồng con đi cùng, để gia đình được gần nhau, cùng nhau trải nghiệm.

“Tôi vẫn phải hi sinh thời gian dành cho bản thân mình và có cả sự hi sinh của những người thân xung quanh. Tôi may mắn khi có chồng học tiến sĩ cùng lĩnh vực, anh hiểu đam mê của vợ, tạo điều kiện hết sức để tôi theo đuổi đam mê” - PGS.TS tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn