MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô Hoa Quý chụp ảnh lưu niệm cùng học trò. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Vợ nhặt" và việc cần đổi mới về đề thi môn Ngữ văn

vân hà LDO | 01/07/2023 07:13

Một đề thi đổi mới, sáng tạo với những câu hỏi "chạm" được tới năng lực tiềm ẩn, khả năng, tư duy logic của học sinh là điều mỗi giáo viên luôn kỳ vọng. Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dù có đổi mới, nhưng vẫn còn nhiều điều gây tiếc nuối.

Đề thi Ngữ văn cần giúp học sinh thể hiện sự sáng tạo

"Nhện vẽ thời gian trên nóc đời chẳng mấy ai để ý/ Giăng tháng năm bằng cũ kỹ đời mình/ Dòng nước dãi từ tim như máu rỉ/ Cứ lặng thầm đời nhện, nhện giăng tơ...".

Những lời ca trên xuất hiện trong một MV âm nhạc mang tên “Nhện” - MV do một nhóm bạn trẻ thực hiện. Điều bất ngờ là ca khúc trên được viết từ một bài thơ do chính cô giáo Ngữ văn bậc THPT của nhóm bạn trẻ viết nên.

“Xúc động, tự hào và bất ngờ” - cô Nguyễn Thị Hoa Quý - giáo viên Trường THCS&THPT Newton (Hà Nội) thốt lên vào giây phút MV ca nhạc do chính học trò cũ sáng tác chính thức lên sóng vào tối ngày 28.6 - ngày sĩ tử trên cả nước vừa hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn.

Thành quả của học trò hôm nay, như là trái ngọt mà cô Hoa Quý đón nhận sau chặng đường không ngừng đổi mới sáng tạo trong dạy học.

Gần 20 năm gắn bó với nghề, cô luôn chăm chút cho từng bài giảng, từng buổi lên lớp với mong muốn cách dạy văn khai phóng đam mê và tài năng sẽ giúp học sinh thoả sức sáng tạo, tự do, đem đến nhiều giá trị lan tỏa đến cộng đồng. Bởi dạy văn và học văn - theo cô Hoa Quý, giá trị đích thực, cốt lõi là trả bài cho cuộc sống của cộng đồng, cho cuộc đời của người học chứ không phải ở các kỳ thi.

Chính vì lí do này, cô Hoa Quý luôn mong muốn và kỳ vọng, việc kiểm tra, đánh giá học sinh sẽ được đổi mới ở từng lớp học, từng trường học, đổi mới qua cách ra đề thi, đặc biệt là ở những kỳ thi mang tính chất quốc gia.

Vui mừng vì đón nhận thành quả đáng tự hào từ học trò cũ, nhưng cô Hoa Quý cũng trăn trở khi đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay chưa đáp ứng được kỳ vọng của bản thân cũng như nhiều đồng nghiệp khác.

“Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay không có sự mới mẻ. Giáo viên và học sinh cả nước đều đã khoanh vùng chính xác trọng tâm thi. Ở phần đọc hiểu, cả 4 câu tương đối dễ, học sinh ít có cơ hội trả lời sai. Với phần làm văn, câu nghị luận xã hội, cả dạng đề và nội dung nghị luận khá đơn giản và quen thuộc. Nếu có sự cộng hưởng 2 chiều sẽ thú vị hơn, giúp học sinh có cơ hội thể hiện và khẳng định mình hơn.

Với câu nghị luận văn học, ngay đoạn ngữ liệu của tác phẩm "Vợ nhặt" được chọn cũng thiên về sự kiện, chính trị, lịch sử mà ít chiều sâu văn chương, nghệ thuật, thông điệp của một thời chứ không của mọi thời, khó bình sâu và khái quát được những giá trị nhân văn sâu sắc của thiên truyện, cũng khó chạm đến điều sâu nhất trong khát vọng kiếm tìm và thể hiện, gửi trao của nhà văn.

Với cấu trúc, mức độ đề thi như vậy, rất khó để phát huy hết năng lực sáng tạo của học trò” - cô Hoa Quý trải lòng.

Bình luận về đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay, cô Trần Lệ Hoa, giáo viên Ngữ văn trường THPT Can Lộc (Hà Tĩnh) nói rằng, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng chung quy, mong muốn của thầy cô là cần sự đổi mới trong cách ra đề thi.

"Mức độ, cấu trúc đề thi năm nay tương đối phù hợp với các đối tượng học sinh. Còn sự sáng tạo, e rằng còn chừng mực. Thực tế, với số tác phẩm trong SGK 12 hiện hành (2006) thì cũng ít có khả năng để ra những vấn đề mới mẻ (câu Nghị luận văn học) khi còn ra đề trong sách giáo khoa” - cô Lệ Hoa chia sẻ.

Trong nhiều năm gần đây, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn có cấu trúc quen thuộc: Phần đọc hiểu và phần làm văn. Theo nhiều thầy cô, việc đổi mới trong ra đề thi là yêu cầu bắt buộc trong thời gian tới.

“Thầy cô dạy bộ môn Ngữ văn lâu nay luôn bị chi phối bởi các tác phẩm trong sách giáo khoa. Đổi mới đề thi, đồng nghĩa với việc mỗi thầy cô cũng phải tự đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của người học.

Câu hỏi khiến tôi trăn trở nhất là với hướng ra đề mới, ra dạng đề mở, hiệu quả của việc ra đề sẽ như thế nào. Lâu nay, khi chỉ ra đề thi dựa vào những bài trong sách, rất nhiều học sinh vẫn không làm được. Vậy, khi ra đề thi hoàn toàn ngữ liệu bên ngoài, các em có làm được hay không? Học sinh khá giỏi, các em sẽ phát huy khả năng sáng tạo, vậy với đối tượng học sinh trung bình khá, làm sao để các em hứng thú và theo kịp sự đổi mới này? Đây quả thực là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với mỗi nhà giáo” - cô Lệ Hoa trải lòng.

Cũng theo cô Hoa, còn một thực tế, lứa học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vẫn học chương trình chưa đổi mới. Lâu nay, định hướng dạy học theo phát triển phẩm chất năng lực cũng đã được triển khai tại các trường phổ thông, nhưng sách giáo khoa vẫn là sách cũ.

Vậy nên, học sinh vẫn thi theo cấu trúc đề minh hoạ của Bộ GDĐT và khó phát huy hết khả năng tự học, tự đọc và tự cảm nhận văn học. Giáo viên hi vọng đề thi những năm sau sẽ được ra theo hướng mới mẻ hơn, để phù hợp với mục tiêu dạy học theo hướng phát triển năng lực, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Đổi mới là yêu cầu bắt buộc

Trước mỗi kỳ thi, học sinh thường hào hứng dự đoán đề thi môn Văn, nhiều em còn thực hiện việc "học tủ". Cũng liên quan đến câu chuyện đề thi, năm nay và những năm trước đều xảy ra nhiều câu chuyện vui, liên quan đến việc dự đoán đề thi.

Có nhân vật được giới trẻ phong là thần tượng nhờ dự đoán trúng đề thi Văn trong 3 năm liên tiếp. Có ca sĩ được yêu mến và nổi tiếng hơn nhờ vào việc phát hành các MV ca nhạc có nội dung trùng khớp với tác phẩm văn học được ra trong đề thi.

Mỗi khi kết thúc một kỳ thi, cách ra đề thi, độ khó, dễ của đề thi Văn vẫn là câu chuyện mà nhiều giáo viên, học sinh bàn luận. Tuy nhiên ở đây nảy sinh một góc nhìn mới. Liệu có phải cách ra đề Văn đang đi theo hướng lối mòn, khiến cho việc suy đoán đúng tác phẩm trở nên dễ dàng và học sinh sa đà vào học lệch, học tủ?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT - cho rằng, số lượng tác phẩm trong chương trình học hiện nay không nhiều, nên có thể xảy ra việc đoán trúng tên tác phẩm văn học ra trong đề thi Văn. Nhưng trong những kỳ thi tới, sẽ khó có chuyện này.

Khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 được đưa vào áp dụng, học sinh sẽ phải học một chương trình có nhiều sách giáo khoa với phương pháp tiếp cận, cách thể hiện khác nhau cho cùng một nội dung, đáp ứng cùng chuẩn đầu ra của chương trình.

Chính vì vậy, việc đề thi xuất hiện cụ thể trong một quyển sách giáo khoa sẽ không tồn tại. Những thay đổi này sẽ thực hiện từ năm 2025 để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn