MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ 500 giáo viên Đắk Lắk mất việc: Nếu không mất hợp đồng, lộ phí “đi đêm” có bị phanh phui?

Khả Hân LDO | 20/03/2018 11:21
Việc phải bỏ một số tiền lớn để “chạy việc” được nhiều chuyên gia nhận định đã trở thành “luật bất thành văn” trong xin việc tại khá nhiều địa phương, đơn vị.

Nếu như không có trục trặc xảy ra, mọi chuyện sẽ dần chìm trong quên lãng hoặc không ai đứng ra phanh phui. Sự việc 500 giáo viên có nguy cơ mất việc ở Đắk Lắk cũng vậy.

Đánh giá hiện tượng này, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người Việt Nam cho rằng: Hàng năm, số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp rất lớn, nhưng chỉ tiêu tuyển giáo viên của các cơ sở giáo dục lại hạn chế. Do đó, một số địa phương chủ trương ký hợp đồng lao động ngắn hạn để các trường có thể tuyển giáo viên và đáp ứng mong mỏi được dạy học của nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, tại một số địa phương để được xét tuyển vào kí hợp đồng giảng dạy ở một số trường, nhiều giáo viên phải mất một khoản “lệ phí” cho những người đứng ra tuyển dụng họ. Đương nhiên, khoản này không có trong quy định và nó chỉ là giao kèo giữa các đối tượng với nhau. Do đó, các mức tiền này hoàn toàn khác nhau. Có người mất nhiều tiền để xin việc, có người lại mất ít hơn, ông Kỳ Anh nhận định.

Vị nhà giáo này cho biết: “Việc quy hoạch tuyển dụng giáo viên, chế độ hợp đồng… lộn xộn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Tất cả những việc này đã thể hiện những tiêu cực trong ngành giáo dục”.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm đứng lớp, ông Tôn Sỹ Dũng - giáo viên Trường THCS Võ Xán (Tây Sơn, Bình Định) tâm sự: “Tôi hết sức chia sẻ với nỗi bất an của các thầy cô giáo phải dạy hợp đồng. Cũng là một giáo viên, tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ đam mê nghề giáo và những đồng nghiệp của tôi. Với những giáo viên hợp đồng, họ không mấy quyết định được “số phận” của mình.

Dù muốn gắn bó với ngôi trường nhưng việc đi hay ở, có được kí hợp đồng nữa hay không lại do lãnh đạo. Những giáo viên hợp đồng luôn bất an, khi một năm học qua đi họ không biết năm sau có được tiếp tục đứng lớp nữa không. Cũng chính vì muốn tìm một công việc ổn định, nhiều giáo viên đã chấp nhận “đi đêm” chi tiền cho hiệu trường”.

Cũng bức xúc trước hiện tượng này, ông Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, những người nhận tiền của giáo viên ở tỉnh Đắk Lắk, các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm, không để tình trạng này tiếp diễn xảy ra. Đó là hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục. Do đó, người hợp đồng, người tuyển dụng và những người có liên quan cần có biện pháp giải quyết sự việc ở Đắk Lắk không ảnh hưởng đến dư luận xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn