MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ đề kiểm tra Ngữ văn khối 8 ở Đồng Tháp, chưa đến mức phải kỷ luật

Thanh Mai LDO | 09/01/2024 20:29

Theo lãnh đạo huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn khối 8, năm học 2023 - 2024 có sử dụng ngữ liệu chưa thật phù hợp, nhưng chưa đến mức phải kỷ luật.

Chiều tối 9.1, ông Võ Thành Ngoan - Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) - cho biết, ngay sau khi có dư luận liên quan đến việc ra đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn khối 8, năm học 2023 - 2024, có sử dụng ngữ liệu chưa thật phù hợp, đích thân ông đã có buổi làm việc với Sở GDĐT và triệu tập cuộc họp họp kiểm điểm trách nhiệm trong công tác ra đề thi đối với giáo viên ra đề, Hội đồng ra đề và lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Thanh Bình.

Ông Nguyễn Thành Ngoan (đứng) - Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình - phát biểu tại buổi họp rút kinh nghiệm đã khẳng định vụ đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 8 trên địa bàn huyện, chưa đến mức phải kỷ luật. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Cụ thể, trong đề thi có thời gian 90 phút, học sinh thực hiện 2 phần là Đọc - Hiểu và Viết. Ở phần Đọc - Hiểu, đề thi cho ngữ liệu câu chuyện "Sao chưa mời tôi ăn" được trích theo “Tiếng cười dân gian Việt Nam” (Trương Chính - Phong Châu), nói về một người bị đau bụng tìm đến thầy lang nhờ chữa trị với lời hứa khi nào được chữa khỏi mời đãi bữa thịnh soạn. Nhưng sau đó vì tính ki bo nên anh đã nuốt lời.

Trong đoạn trích này có nhiều từ nhạy cảm, như: phân, đống phân… Nhưng trong phần câu hỏi nhỏ, yêu cầu học sinh trả lời liên quan đến nội dung văn bản trên, đề thi không hề nhắc đến từ nhạy cảm đó.

Một phần đề thi môn Ngữ văn lớp 8 ở huyện Thanh Bình. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Vì thế, tại cuộc họp, ông Ngoan khẳng định, đề kiểm tra không sai luật, nên chưa đến mức phải xem xét kỷ luật và cũng như không cần phải hủy kết quả bài làm của học sinh, tổ chức kiểm tra lại.

Tuy nhiên, ông Ngoan yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với người ra đề, người phản biện và cả người duyệt đề. Đồng thời cũng nhắc nhở người ra đề thi cần chú trọng đến việc sử dụng văn phong trong sáng, đảm bảo tính thẩm mỹ cao.

Cũng cần biết thêm rằng việc sử dụng ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa để xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết trong môn Ngữ văn là vấn đề đã được Bộ GDĐT quy định mang tính “bắt buộc” từ năm 2021.

Cụ thể tại Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, ngày 21.7.2021, Hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, Bộ GDĐT đã yêu cầu “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn