MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ giảng viên bị tố quấy rối nữ sinh: Khoa Luật khẳng định có dấu hiệu vi phạm quy chế

HUYÊN NGUYỄN LDO | 24/08/2018 20:50
Kết luận ban đầu của Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho rằng chưa có đủ cơ sở để khẳng định việc giảng viên (GV) N.H.C đã có quan hệ với nữ sinh và làm nữ sinh này mang thai. Tuy nhiên, có cơ sở để khẳng định GV này vi phạm nhiều quy chế.

Lãnh đạo Khoa Luật, ĐHQGHN đã có văn bản kết luận về những thông tin phản ánh về mối quan hệ giữa GV và người học.

Sau khi nhận được các thông tin phản ánh về GV N.H.C, Khoa Luật đã đưa ra kết luận gồm 3 nội dung.

Tin nhắn chưa đúng chuẩn mực

Khoa Luật khẳng định, cho đến thời điểm hiện nay, với những thông tin được cung cấp với tổ công tác, hiện chưa đủ cơ sở để cho rằng GV N.H.C đã quan hệ với nữ sinh Khoa Luật và làm sinh viên này mang thai, hay đe dọa, gạ tình với các nữ sinh trong khoa như nội dung thông tin phản ánh trên các trang mạng xã hội. Nội dung thông tin phản ánh này hiện không có ảnh chụp tin nhắn (tồn tại dưới dạng 2 bài đăng ẩn danh trên trang SOL-VNU Confessions), đồng thời cũng không có người cung cấp thông tin trực tiếp” – văn bản này viết.

Tuy nhiên, đã có cơ sở để cho rằng GV N.H.C đã chủ động nhắn tin với các nữ sinh trong Khoa, trong đó nội dung các tin nhắn có thể hiện cách ứng xử chưa đúng mực trong mối quan hệ giữa nhà giáo và người học.

Kết luận này khẳng định, hành vi của ông N.H.C có dấu hiệu vi phạm khoản 1 Điều 30 Quy chế Đào tạo đại học tại ĐHQGHN về trách nhiệm và quyền hạn của giảng viên; vi phạm khoản 3, 4 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2005 về nhiệm vụ nhà giáo; vi phạm khoản 4, 5 Điều 55 Luật Giáo dục đại học năm 2012 về nhiệm vụ và quyền của giảng viên; Điều 5 Quyết định của Bộ GDĐT về Quy định về đạo đức nhà giáo, về lối sống, tác phong...

Ngoài ra, những trao đổi qua lại trên mạng xã hội về mối quan hệ giữa GV N.H.C và người học đã gây ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng tới hình ảnh, uy tín, lợi ích của Khoa Luật, của ĐHQGHN trong sinh viên, cựu sinh viên và dư luận xã hội.

Trong những tranh luận về vụ việc, GV N.H.C đã có bài đăng, bình luận, ứng xử, phát ngôn trên mạng xã hội, trên báo chí chưa thực sự chuẩn mực của một nhà giáo, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh giảng viên.

Dấu hiệu vi phạm trong chấm điểm

Về việc GV N.H.C chấm điểm 1 với bài kiểm tra giữa kỳ của sinh viên H.T.T.U, tổ công tác nhận thấy chưa có đủ bằng chứng để khẳng định có sự vi phạm của GV do không có đủ cơ sở để khẳng định ảnh chụp bài kiểm tra của H.T.T.U chính là bài kiểm tra đã nộp cho giảng viên này. GV N.H.C cho biết hiện không còn lưu trữ bài thi vì học phần đã kết thúc từ lâu.

Về việc GV N.H.C cho 0 điểm chuyên cần của cả lớp văn bằng kép INL-2003 với lý do lớp không trung thực trong việc điểm danh đã có dấu hiệu vi phạm một số quy định, luật.

Vi phạm kỷ luật lao động

Về thông tin phản ánh GV N.H.C thường xuyên đi dạy muộn, bỏ buổi dạy…, văn bản kết luận “GV N.H.C thường bảo đảm số buổi lên lớp giảng dạy của học phần được phân công. Tuy nhiên, có một số lần lên lớp giảng dạy muộn so với thời gian quy định từ 15 phút, 30 phút đến 120 phút. Việc này làm ảnh hưởng và không đảm bảo thời lượng giảng dạy đối với học phần".

Việc đi muộn này có dấu hiệu vi phạm Quy định về đạo đức nhà giáo: “…không đi muộn, về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường”.

Lãnh đạo Khoa Luật, ĐHQGHN xác định đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến danh dự, uy tín của khoa, ảnh hưởng không tốt đến tình hình chính trị, tư tưởng và tâm tư, tình cảm của các cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của khoa.

Ban chủ nhiệm Khoa Luật đề nghị bộ phận Tổ chức – Cán bộ của Khoa đề xuất biện pháp xử lý triệt để, nghiêm minh và đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn