MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Hoa Anh không đồng ý với quyết định điều chuyển công tác của thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: HL

Vụ giáo viên quỳ gối ở Đắk Lắk: Người trong cuộc lên tiếng

Hữu Long LDO | 09/08/2019 09:11

Bà Nguyễn Thị Hoa Anh – giáo viên trường Đinh Bộ Lĩnh (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho rằng, việc TP. Buôn Ma Thuột ra quyết định “ép” bà chuyển trường có nhiều điểm chưa thống nhất trong các văn bản. Điều này khiến quyền lợi của bà bị ảnh hưởng.

Vụ việc giáo viên quỳ gối tại UBND tỉnh Đắk Lắk xin được gặp lãnh đạo tỉnh, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận.

Nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ chủ trương có tên Kế hoạch 45 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Theo đó, từ năm 2017, nếu phát hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định, TP. Buôn Ma Thuột sẽ áp dụng hình thức xử lý chuyển công tác (chuyển hẳn).

Tháng 8.2018, UBND TP. Buôn Ma Thuột ra quyết định điều chuyển công tác với bà Hoa Anh vì bà này trước đó vi phạm Kế hoạch 45.

Về phần mình, bà Hoa Anh thừa nhận có dạy thêm ở nhà tại thời  điểm đoàn kiểm tra của thành phố đến; tuy nhiên, bà cho rằng mình chỉ dạy kèm cho một số con cháu trong gia đình chứ không mở lớp dạy thêm.

“Trong quyết định của UBND TP. Buôn Ma Thuột về việc điều chuyển công tác của tôi không có nội dung nào nói đến việc vi phạm về việc dạy thêm học thêm. Ở đây, việc ra quyết định điều động dựa vào tờ trình của Phòng Giáo dục - Đào tạo về việc “điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu năm học 2018 – 2019. Đây là điều bất nhất, chưa khách quan” – bà Hoa Anh nói.

Nói về việc TP. Buôn Ma Thuột ra quyết định điều chuyển, bà Hoa Anh cho rằng, theo Luật Cán bộ, công chức, việc điều động, luân chuyển, biệt phái dành cho cán bộ, công chức.

“Tôi là viên chức, theo Luật Viên chức 2010 thì đối tượng bắt buộc phải là biệt phái và biệt phái trong thời hạn không quá 3 năm; theo quy định tại khoản 6, Điều 36 Luật Viên chức thì đối với viên chức, khi hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác" - bà Hoa Anh nói.

Bà Hoa Anh cho rằng, việc quỳ gối là để được gặp lãnh đạo tỉnh, qua đó, nói lên tâm tư, nguyện vọng cá nhân. Ảnh: LX 

Chia sẻ về hành động quỳ gối gây tranh cãi trước đó, bà Hoa Anh cho rằng đó không phải là hành động cầu xin; đó là hành động mong muốn đòi lại sự công bằng,  mong muốn được gặp lãnh đạo tỉnh để trình bày tâm tư, nguyện vọng cá nhân.

Chưa khách quan?

Về việc điều động bà Hoa Anh sang trường khác vì vi phạm quy định dạy thêm, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Nghệ An) khẳng định, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật. 

“Theo Nghị định 27/2012 quy định xử lý kỷ luật viên chức, viên chức vi phạm, sai phạm áp dụng các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. Không có hình thức kỷ luật nào gọi là “điều chuyển công tác”. Việc UBND TP.Buôn Ma Thuột quy định hình thức “điều chuyển” để xử lý giáo viên vi phạm quy định dạy thêm là trái quy định” - luật sư Tuấn nói.

Luật sư Tuấn cho biết, trong quy định của Luật Viên chức và các văn bản mà UBND TP.Buôn Ma Thuột viện dẫn trong công văn nói trên cũng không có hình thức kỷ luật nào là “điều chuyển” công tác. 

“Việc điều chuyển, biệt phái viên chức căn cứ vào yêu cầu công tác và bảo đảm điều kiện thuận lợi cho viên chức làm việc; nếu áp dụng như một hình thức kỷ luật sẽ tạo ra sự khó khăn, ức chế về tâm lý, làm giảm sút hiệu quả công việc” - luật sư Tuấn nói.

Liên quan đến sự việc trên, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết đơn đăng ký tiếp công dân của bà Nguyễn Thị Hoa Anh và những nội dung khác liên quan đến sự việc theo quy định pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn