MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hợp đồng đã ký giữa UBND huyện Krông Pắk và các giáo viên thực hiện sai các quy định của pháp luật đồng nghĩa với việc người ký phải có trách nhiệm chính. Ảnh: P.V

Vụ hàng trăm giáo viên bị nghỉ việc tại Đắk Lắk: Loay hoay tìm lời giải!?

HỮU LONG LDO | 12/05/2018 06:55
Hợp đồng lao động giữa huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) và các giáo viên ngay từ đầu đã không đúng quy định nên phần thiệt được đẩy về phía giáo viên. Từ những bản hợp đồng sai này, huyện Krông Pắk đến nay chưa biết xoay sở nguồn ngân sách gì để giải quyết chế độ cho các giáo viên đã trót ký nhầm. Và câu chuyện hàng trăm giáo viên tại Đắk Lắk bị chấm dứt hợp đồng vẫn chưa có lời giải chính thức...

Chính thức mất việc

Ông Miêng Klơng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk - cho biết, sau khi kỳ thi viên chức tại huyện Krông Pắk, hàng trăm giáo viên thi không đậu tại địa phương này sẽ bị chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Miêng Klơng, khi huyện Krông Pắk xác định trong 578 trường hợp hợp đồng lao động trên địa bàn có 370 trường hợp có vị trí nộp hồ sơ, 208 trường hợp đang hợp đồng lao động ở 14 vị trí việc làm, hiện nay không có vị trí tuyển dụng.

Qua thi tuyển viên chức, đến nay có 58 trường hợp thi đậu kỳ thi viên chức tại huyện Krông Pắk. Đối với những trường hợp bị chấm dứt hợp đồng, ngành chức năng sẽ thanh toán chế độ chính sách cho các giáo viên từ lúc ký hợp đồng cho đến khi chấm dứt.

“Một trong những khó khăn đối với tỉnh Đắk Lắk hiện nay là tìm kinh phí chi trả chế độ, chính sách cho các giáo viên này. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa biết sử dụng từ nguồn gì để chi trả vì nhiều hợp đồng ký không đúng quy định. Việc ký hợp đồng là sai nên không thể lấy cái sai này lấp cái sai khác” - ông Miêng Klơng nói và cho biết thêm: 208 giáo viên hợp đồng dôi dư tại huyện Krông Pắk nhưng không có vị trí thi tuyển trong đợt trước đó, tỉnh vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể, cần thời gian tìm giải pháp.

Từ câu chuyện dôi dư trên địa bàn huyện Krông Pắk, hiện Sở Nội vụ đang rà soát tổng thể tình hình biên chế trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đơn vị sẽ rà soát việc giao biên chế cho từng địa phương bao nhiêu, sử dụng bao nhiêu và ký hợp đồng bao nhiêu. Trên cơ sở rà soát, Sở Nội vụ sẽ xin ý kiến UBND tỉnh có báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy. “Việc rà soát này là để kiểm tra có hay không tình trạng dôi dư tương tự như huyện Krông Pắk” - ông Miêng Klơng nói.

Giáo viên có quyền khởi kiện

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - thông tin, mặc dù huyện đã công bố 58 người đủ điều kiện đậu viên chức nhưng cần chờ kết quả phúc khảo thì mới có kết quả chính thức về kỳ thi này. Theo bà Trinh, nguồn kinh phí giải quyết chế độ cho các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng hiện địa phương đang phối hợp với các Sở Tài chính, Sở Tư pháp và Sở LĐTBXH tìm nguồn ngân sách giải quyết chính sách đối với các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng.

Theo luật sư Trương Quốc Hòe - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, theo quy định của pháp luật không có loại hợp đồng lao động đến thời hạn “đến ngày thi tuyển” hoặc “hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế” như hợp đồng mà UBND huyện Krông Pắk đã ký đối với các giáo viên mà phải quy định cụ thể về thời hạn. Ngoài ra, việc ký hợp đồng lao động đối các giáo viên phải thực hiện theo đúng các quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan.

Cũng theo luật sư Hòe, các hợp đồng đã ký giữa UBND huyện Krông Pắk và các giáo viên thực hiện sai các quy định của pháp luật đồng nghĩa với việc người ký phải có trách nhiệm chính. Trong trường hợp này, người ký hợp đồng có thể bị người lao động khởi kiện theo quy định của pháp luật. Nói vậy nhưng các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng có thể thỏa thuận phương án về lương, về phương án hỗ trợ đối với việc chuyển đổi và tìm kiếm công việc mới, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại.

“Đây không chỉ là trách nhiệm riêng của Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk qua các thời kỳ mà còn là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền có liên quan trong việc lên kế hoạch, đưa ra chỉ tiêu và phân bổ nguồn nhân lực cho phù hợp. Nếu các giáo viên chứng minh được thiệt hại thì UBND huyện Krông Pắk phải có trách nhiệm bồi thường. Sau đó, tùy theo mức độ yêu cầu người làm sai phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ hoặc một phần tiền bồi thường theo quy định của pháp luật” - luật sư Hòe phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn