MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tiết dạy học của giáo viên mầm non ở huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên).

Vụ hàng trăm tỉ đồng ngân sách cho hoạt động giáo dục ở Thái Nguyên: Có dấu hiệu bao che?

Đặng Chung LDO | 09/07/2018 16:00
Cơ quan chức năng tại Thái Nguyên cho rằng việc chi sai, nhập nhèm chỉ dừng ở số tiền hơn 7 triệu đồng mà một Hiệu trưởng “gửi nhờ” vào tài khoản của giáo viên. Tuy nhiên, theo phản ánh của giáo viên, số tiền chi sai không chỉ dừng lại có vậy.

Liệu có bao che?

Sau loạt bài phản ánh từ 30.5-18.6 về việc tỉnh Thái Nguyên có ngân sách hỗ trợ hoạt động giảng dạy lên tới hàng trăm tỉ đồng, nhưng tiền đó đi đâu, chi tiêu ra sao, nhiều giáo viên không hề hay biết. Nhiều giáo viên mầm non dạy trẻ khuyết tật hòa nhập, nhưng không được trả tiền hỗ trợ…, Báo Lao Động đã nhận được Công văn số 992 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Thái Nguyên báo cáo, thông tin về vụ việc.

Theo đó, Sở đã yêu cầu các phòng giáo dục khẩn trương kê khai để thanh toán tiền cho giáo viên trước ngày 30.6.

Tuy nhiên, theo phản ánh của giáo viên mầm non ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên), đến ngày 9.7, họ vẫn chưa nhận được tiền dạy thay những định mức bị thiếu. Hiện mới chỉ có những giáo viên được thuê khoán nhận đủ 3,8 triệu đồng/tháng theo đúng Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 5.1.2018 mà tỉnh ban hành.

Ngoài ra, cơ quan chức năng tại Thái Nguyên cho rằng việc chi sai, nhập nhèm chỉ dừng ở số tiền hơn 7 triệu đồng mà một Hiệu trưởng “gửi nhờ” vào tài khoản của giáo viên. Còn giáo viên thì cho rằng số tiền chi sai không chỉ dừng lại có vậy.

 Quyết định chi ngân sách hỗ trợ hoạt động giảng dạy ở tỉnh Thái Nguyên.
 

Theo một giáo viên ở Trường Mầm non Tân Khánh (huyện Phú Bình), sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt bài và có nêu tên trường trên mặt báo, Phòng GDĐT huyện Phú Bình đã về trường họp 2 buổi. Nội dung chủ yếu xoáy sâu vào số tiền “chuyển nhờ” mà hiệu trưởng giải trình là chi tiết tết cho giáo viên. Trong khi nhiều điểm mà hiệu trưởng trả lời bất nhất về việc chi tiêu gói hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng của tỉnh lại chưa được làm rõ.

“Tại buổi họp đầu tiên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Khánh đã công khai số tiền chi tiêu từ gói hỗ trợ 149 tỉ đồng mà tỉnh rót xuống cho tất cả các trường công lập trên địa bàn tỉnh. Hiệu trưởng đọc báo cáo và nói rằng đến nay số tiền thuê khoán giáo viên chỉ còn 102.707.202 đồng.

Nhưng tại buổi họp thứ hai, kế toán lại nói một con số khác, là chỉ còn 97 triệu đồng. Đến đầu tháng 7, trong cuộc làm việc với cơ quan chức năng, hiệu trưởng lại báo cáo một con số khác. Chúng tôi không hiểu mỗi lần họp lại ra một con số, số liệu chi tiêu bất nhất như vậy mà các lãnh đạo không đặt câu hỏi sao?”- một giáo viên Trường Mầm non Tân Khánh chia sẻ.

Giáo viên cũng cho rằng, việc Phòng GDĐT huyện Phú Bình chỉ xoáy sâu vào số tiền chuyển nhờ vào tài khoản giáo viên, mà không đả động đến số tiền chi từ gói hỗ trợ định mức khoán mà tỉnh giao, có phải là đang bao che sai phạm?

Không chỉ trường Tân Khánh, Trường mầm non xã Thanh Ninh (huyện Phú Bình) cũng xảy ra chuyện "chuyển nhờ" tiền vào tài khoản giáo viên rồi bắt các cô rút ra trả lại, nhưng chưa hề bị thanh tra.

Mong muốn của giáo viên mầm non ở Thái Nguyên là tỉnh cần thành lập đoàn thanh tra, rà soát tất cả các trường mầm non trên địa bàn tỉnh về việc chi tiêu ngân sách chi thường xuyên và gói hỗ trợ 149 tỉ đồng theo Quyết định số 39/QĐ-UBND, chứ không chỉ dừng ở việc xử lý trường bị nêu tên trên mặt báo.

Việc thanh tra phải hỏi tâm tư của giáo viên, xem tiền có đến tay họ hay không, chứ không dừng ở việc thanh tra… trên giấy.

Tiền chậm đến tay giáo viên, ai chịu trách nhiệm?

Về những gói hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng cho hoạt động giáo dục ở Thái Nguyên, phải thừa nhận đây là một chính sách rất tốt, không phải địa phương nào cũng làm được điều này.

Nhưng sẽ rất tiếc nếu một chính sách tốt như vậy, mà số tiền chi tiêu không được công khai, minh bạch. Thậm chí nhiều giáo viên còn phản ánh, sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt bài về tiền hỗ trợ này, họ mới hay biết.

Một chính sách tốt, nhưng giáo viên mầm non không nắm được thông tin, làm sao có sự giám sát, minh bạch? Lỗi do các địa phương không phổ biến, hay việc tuyên truyền không đạt được hiệu quả?

Trong công văn Sở GDĐT Thái Nguyên trả lời Báo Lao Động, lý do được Sở đưa ra cho việc chậm chi trả tiền làm thêm giờ là vì việc thống kê thừa giờ của các trường thực hiện khi kết thúc năm  học.

Không thể đổ lỗi cho khách quan, trong khi lỗi ở đây là do mỗi phòng giáo dục, mỗi địa phương hiểu chính sách của tỉnh một kiểu, hiểu sai cả hướng dẫn chỉ đạo của Sở.

Lỗi của các hiệu trưởng, phòng giáo dục, nhưng chưa ai nhận trách nhiệm, chỉ giáo viên phải chịu thiệt thòi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn