MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ sinh học lớp 10 ở An Giang phải nhập viện cấp cứu nghi do uống thuốc tự tử sau khi bị nhà trường kỷ luật. Ảnh: CTV

Vụ nữ sinh nghi tự tử: Đừng để mối quan hệ thầy trò mang màu sắc “thù địch"

Thiều Trang - Kim Nhung LDO | 08/12/2020 16:54

Vụ nữ sinh An Giang nghi tự tử vì uất ức đã khiến dư luận xôn xao trong nhiều ngày qua. Dưới góc độ tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, thầy cô đã thiếu nhạy cảm về kỹ năng sư phạm dẫn đến mối quan hệ thầy trò mang màu sắc "thù địch".

Cách thức xử lý của nhà trường khiến sự việc trở nên trầm trọng

Theo dõi vụ việc nữ sinh lớp 10 ở An Giang tự tử do không đồng tình với cách kỷ luật từ nhà trường, ở góc độ tâm lý học, ông đánh giá và nhìn nhận vụ việc thế nào?

- Thực tế, vụ việc này ban đầu có thể không lớn. Tuy nhiên, hành động và cách thức xử lý của nhà trường đã khiến cho sự việc trở nên trầm trọng, dẫn đến hành vi cực đoan của nữ sinh lớp 10.

Phân tích kỹ sẽ thấy, nếu nhà trường triển khai dạy học thêm hợp lý thì phải thận trọng trong việc định hướng tư tưởng cho phụ huynh và học sinh rằng mục đích của việc này là hướng đến giáo dục toàn diện.

Hơn nữa, sau việc thầy cô “bêu” tên nữ sinh trước cờ và bắt em phải nhận những hình thức kỷ luật được cho là vô lý thì đã dẫn đến hành động tự tử của nữ sinh. Ý nghĩa hành động đó là sự thể hiện cảm xúc khi bị xúc phạm và không thể chấp nhận.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, hành động tự tử của nữ sinh là sự phản kháng mạnh mẽ với nhà trường. (Ảnh: NVCC)

Đỉnh điểm của vụ việc là hành động tự tử cực đoan của nữ sinh. Vậy theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?

- Để vụ việc này diễn ra lỗi là do nhà trường. Thứ nhất, việc dạy và học thêm tại trường là không đúng nguyên tắc, nhà trường hoàn toàn sai. Thứ hai là việc dọa nạt, chế giễu, “bêu tên” học sinh trước cờ đã khiến nữ sinh cảm thấy bị xúc phạm, dẫn đến hành vi cực đoan.

Tất cả những hành động của thầy cô đã khiến nữ sinh cảm thấy mất mặt và xấu hổ trước bạn bè, khiến em cảm thấy không có giá trị. Hành động tự tử của em được xem là sự phản kháng mạnh mẽ, thể hiện mình không thể chấp nhận những hành động của thầy cô.

Đặc biệt, nữ sinh không chỉ phản ứng với hình thức phê bình, kỷ luật mà còn phản ứng bởi suy nghĩ thầy cô đang dùng quyền lực ép buộc mình, vì không ép buộc được nên thầy cô tìm cách “trả thù”.

Như vậy, trong vụ việc này, bản thân thầy cô đã mắc sai lầm và thiếu nhạy cảm về kỹ năng sư phạm, khiến cho học sinh diễn giải hành vi của thầy cô theo một hướng khác mang màu sắc "thù địch".

Vậy sau vụ việc, gia đình và nhà trường cần làm gì để tâm lý của nữ sinh ổn định và không tiếp diễn hành động cực đoan trong tương lai, thưa ông?

- Có thể thấy, tâm lý của nữ sinh hiện đang bất ổn. Vì vậy, gia đình cần nhờ chuyên gia tâm lý để có thể chia sẻ, tìm ra ý nghĩ thực sự mà nữ sinh mong muốn để phòng chống suy nghĩ tự tử tiếp theo của em, từ đó đưa ra phương hướng giải quyết vụ việc. Hơn nữa, mọi người cần chứng minh rằng có rất nhiều người, tổ chức đang quan tâm và đứng về phía em.

Về phía nhà trường, để xảy ra sự việc này, bản thân thầy cô và nhà trường đã sai. Cơ quan chính quyền địa phương cần có hình thức kỷ luật cụ thể với những người đã tạo nên tình huống này. Cần kiểm điểm người đứng đầu đến giáo viên liên quan trong trường, thậm chí chính thầy cô cũng cần trải qua những hình phạt mà mình đã áp dụng với học sinh.

Thầy cô cần đứng về lẽ phải và làm đúng giá trị đạo đức

Vụ việc này có câu chuyện ứng xử của giáo viên với học sinh, cách phê bình của giáo viên khi học sinh mắc lỗi. Vậy ông có lời khuyên nào dành cho giáo viên để tương lai không lặp lại những chuyện tương tự?

- Vụ việc này cho thấy, người đứng đầu cơ sở giáo dục cần chịu trách nhiệm khi làm sai nguyên tắc. Hiện nay, các trường hợp tổ chức dạy học thêm trong trường diễn ra theo nhiều mục đích, trong đó có việc áp đặt chỉ tiêu và lợi ích tài chính. Đây có thể coi là nguồn áp lực khiến cho nhiều thầy cô dù không muốn nhưng vẫn phải hành động và có những hành vi không phải với học sinh.

Vì vậy, thầy cô cần có chính kiến, đoàn kết, đứng về lẽ phải và làm đúng giá trị đạo đức của nhà giáo. Đặc biệt, thầy cô cần thấu hiểu, nắm bắt tâm lý học sinh để tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa thầy và trò.

Qua vụ việc này, ông có lời khuyên gì dành cho học sinh để các em có thể giải quyết các vấn đề trong trường học và cuộc sống một cách tích cực?

- Là công dân của thế kỷ 21, các em học sinh cần trau dồi và nâng cao hai kỹ năng chính. Thứ nhất là kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp. Cụ thể, nếu mối quan hệ giữa nhà trường và học sinh khi có khúc mắc, các em phải đưa ra nhiều giải pháp và cân nhắc lựa chọn giải pháp tốt nhất. Điều này giúp học sinh tránh được những hành vi cực đoan.

Thứ hai là kỹ năng quản lý sức khỏe và tinh thần, trong đó có quản lý cảm xúc tốt. Điều này giúp các em có thể điều khiển cảm xúc, đưa ra lựa chọn sáng suốt cho bản thân khi gặp phải cú sốc tinh thần hay ức chế về cảm xúc.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn