MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh nhóm học sinh đánh nhau phía ngoài cổng trường. Ảnh chụp màn hình.

Vụ ồn ào tại trường quốc tế: Vì đâu nên nỗi?

Huyên Nguyễn LDO | 30/05/2022 08:01

Phía sau vụ việc bạo lực học đường tại Trường Quốc tế TPHCM American Academy (ISHCMC-AA), ý kiến chuyên gia cho rằng các bên đều cần phải thay đổi cách hành xử để hướng tới mục tiêu bảo vệ trẻ em và môi trường giáo dục.

Nhà trường chưa khéo léo

Sự việc bạo lực học đường xảy ra tại Trường Quốc tế TPHCM American Academy (ISHCMC-AA) vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận. 

Bạo lực học đường là vấn đề có thể xảy ra ở bất kỳ đâu với bất kỳ trường học nào, ngay cả ở trường quốc tế. Tuy nhiên, sự việc sẽ chẳng ồn ào nhiều nếu như nhà trường và phụ huynh có tiếng nói chung và cùng nhau ngồi lại để bàn bạc hướng giải quyết vấn đề. 

Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức, TPHCM, đơn vị này đã nhận được báo cáo của Trường ISHCMC-AA liên quan đến vụ việc học sinh đánh nhau hôm 26.5 vừa qua. Theo ông Nguyên trong báo cáo của mình, ISHCMC-AA đã thừa nhận chưa xử lý khéo léo vụ việc với phụ huynh.

Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức đang xử lý, tổng hợp thông tin để có báo cáo lên UBND TP.Thủ Đức, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho hay, với quan điểm cá nhân, bạo lực học đường nếu xảy ra bên trong hay ngoài nhà trường, thì các trường cũng cần phải xử lý khéo léo và đúng quy định.

Nếu học sinh vi phạm, thì trường cần có ý kiến xử lý mang tính giáo dục, nhằm ổn định tâm lý cho học sinh. Quan trọng hơn, trường cần trao đổi với phụ huynh để có sự phối hợp, tránh xảy ra những điều không mong muốn như vài ngày gần đây trên mạng xã hội.

Trong trường hợp nhà trường không thể xác minh được, có thể nhờ cơ quan công an vào cuộc để hỗ trợ. Nếu phụ huynh nói chuyện, cảm thông với nhau thì sự việc sẽ không có gì, nhưng cách giải quyết hiện tại của trường có thể chưa phù hợp.

Cần ứng xử phù hợp hơn 

Nhận định về vụ việc, ThS.BS Phạm Văn Giào - Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (IAPE) phân tích đối với trẻ em giai đoạn THCS và THPT thì sự phát triển tâm sinh lý vô cùng phức tạp. Các em có chiều hướng suy nghĩ bộc trực theo tính cá nhân. Vì thế, khi có những mâu thuẫn cá nhân dù rất nhỏ cũng có thể dẫn đến hành động xung đột.

Chính vì thế, người lớn, đặc biệt là nhà trường cần có buổi gặp gỡ, tìm hiểu xác minh nội dung, nguyên nhân. Ông Giào cho rằng, lúc này vai trò của nhà trường vô cùng quan trọng khi hoà giải, gắn kết giữa phụ huynh và học sinh.

“Ở đây, chúng ta không nói ai đúng, ai sai mà cần hướng tới góc độ làm sao để khắc phục được tình trạng này, đưa ra phương án giải quyết hợp tình, hợp lý”, ông Giào cho hay và thẳng thắn nhận định, trong vụ việc này, dường như nhà trường chưa khéo léo, chưa thiện chí trong công tác hoà giải và tiếp xúc các bên. Nếu như chỉ xem clip được đăng tải trên mạng xã hội thì thấy rõ nhà trường đang chưa giải quyết được bức xúc của phụ huynh tạm thời, đồng thời làm công tác tư tưởng cho các bạn học sinh.

Một khi, nhà trường để vấn đề lên cao trào sẽ khiến phụ huynh bức xúc, có những hành động theo bản năng nhằm bảo vệ, tự vệ cho con em của mình và những điều họ cho là đúng.

Về phía phụ huynh, Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục cho rằng, khi để bức xúc lên cao thì phụ huynh cả hai phía cũng chưa xử lý thật sự khéo léo, chưa ổn thoả trong hành vi ứng xử với nhà trường.

“Nếu muốn con em mình tốt hơn thì đầu tiên chúng ta cũng phải thay đổi hành vi và cách xưng hô của mình. Biết rằng khi chúng ta bức xúc một vấn đề nào đó thì thường sẽ làm ầm lên thì vấn đề này mới được giải quyết, kéo dư luận xã hội vào câu chuyện này. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ không gây hiệu ứng tích cực cho cộng đồng cũng như tạo sự lan toả cho con em mình”, ông Giào phân tích.

Về hướng xử lý vụ việc, theo ThS.BS Phạm Văn Giào, lúc này ban đại diện cha mẹ học sinh của trường sẽ cần thực hiện chức năng kết nối, gắn kết giữa ban giám hiệu và phụ huynh trong vấn đề xảy ra.

Bên cạnh đó, nhà trường cần có thầy cô giáo phụ trách chuyên môn để làm công tác tư vấn trong các chương trình ngoại khoá nhằm giảm thiểu hoạt động bạo lực học đường. Khi có vụ việc, nhà trường cũng cần có người phụ trách đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các bên, đồng thời giữ câu chuyện êm đẹp và tôn trọng lẫn nhau.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh chúng ta đừng quên mục tiêu của mình là bảo vệ những đứa trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn