MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trước đó, học viên của IELTS Tuấn Quỳnh đã viết đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Ảnh: Huyên Nguyễn

Vụ tố cáo giáo viên IELTS nâng khống điểm: Phản hồi của cơ quan công an

Đặng Chung LDO | 16/06/2020 10:52
Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an quận Gò Vấp, TPHCM) vừa có công văn số 35/HD-CQCSĐT-ĐTTH liên quan đến đơn tố cáo của các học viên của IELTS Tuấn Quỳnh, cho rằng giáo viên P.N.Q của trung tâm này có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Công văn nêu rõ, sau khi xem xét nội dung tố cáo, căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ cức của Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp trả lại đơn tố cáo của học viên vì các lý do:

Hành vi gian dối sửa chữa các thông tin cá nhân sai sự thật của P.N.Q để quảng cáo nhằm mục đích thu hút học viên đăng ký học. Việc thỏa thuận dạy và học dựa trên sự tự nguyện giữa các bên.

Thực tế thì P.N.Q vẫn tổ chức dạy học theo thỏa thuận nhưng không đảm bảo chất lượng như trên quảng cáo, nên các cá nhân trên không tiếp tục tham gia học và làm đơn tố cáo. Đây là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu tội phạm nên không thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, đối với hành vi P.N.Q và IELTS Tuấn Quỳnh thông tin quảng cáo sai sự thật để thu hút học viên tham gia lớp học khi chưa được cấp phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền là hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đã chuyển nội dung vụ việc đến Thanh tra Sở GDĐT để xử lý theo quy định. Đồng thời đề nghị các cá nhân có đơn tố cáo khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật dân sự về tranh chấp dân sự.

Bảng điểm thi IELTS của P.N.Q trong năm 2019, nhưng giáo viên này luôn quảng mình đạt 8.0 để lôi kéo học viên. 

Theo tìm hiểu của Lao Động, với hành vi mở lớp dạy “chui”, IELTS Tuấn Quỳnh, cũng như giáo viên P.N.Q sẽ bị xử lý theo  Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Tại Điều 7 của Nghị đinh đã quy định rõ: Phạt  từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép và buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi vi phạm.

Ngoài ra, để một cá nhân mở lớp dạy, có thu tiền của người học, thì cá nhân đó phải có bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, đạt trình độ chuẩn tương ứng với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục. Người dạy cũng phải thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Nếu không thực hiện đúng cũng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 138.

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, Cộng đồng học IELTS ở Việt Nam đang vô cùng bức xúc, phẫn nộ cho rằng một giáo viên luyện thi IELTS nâng khống điểm lừa dối học viên.

Theo các học viên, thông qua trang cá nhân thu hút hơn 50.000 lượt theo dõi và các video chia sẻ trên kênh Youtube, P.N.Q – giáo viên của IELTS Tuấn Quỳnh (có địa chỉ tại Phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM) đã tự quảng bá và khẳng định mình đạt 8 tới 8.5 Writing; điểm thi  IELTS luôn ở mức rất cao, trên 8.0.

Tuy nhiên, điểm thi nhiều lần trong năm 2019 của Q chỉ ở mức 6.5-7.0 (mức cơ bản).

Sau khi tìm hiểu thông tin, Lao Động được biết, IELTS Tuấn Quỳnh chưa hề được cơ quan chức năng cấp phép để tổ chức dạy, luyện thi ngoại ngữ. Tuy nhiên, giáo viên P.N.Q và IELTS Tuấn Quỳnh vẫn mở lớp dạy nhiều năm nay và thu tiền của người học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn