MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc gồm Toán, Văn và 2 môn lựa chọn. Ảnh: Phong Linh

Vừa chốt phương án thi tốt nghiệp THPT, học sinh đề ra nhiều định hướng ôn thi

MỸ LY LDO | 01/12/2023 13:33

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Thí sinh sẽ thi 4 môn (2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn). Trước quyết định này, cùng với sự phấn khởi, nhiều thí sinh đã bắt đầu vạch ra định hướng học tập phù hợp cho bản thân.

Phấn khởi với phương án 2 + 2

Hồi hộp chờ đợi quyết định của Bộ GDĐT về phương án thi tốt nghiệp THPT suốt những ngày qua, em Nguyễn Hoàng Lợi - học sinh Trường THPT Lương Định Của (TP Cần Thơ) - thở phào nhẹ nhõm khi phương án mình ủng hộ đã được Bộ phê duyệt.

“Ngay từ những ngày đầu đề xuất, em đã ủng hộ phương án 2 + 2. Bởi với phương án này, học sinh chúng em chẳng những giảm nhẹ áp lực thi cử mà quan trọng hơn là có thể lựa chọn môn học phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Cơ hội trúng tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học mong muốn cũng cao hơn” - Hoàng Lợi nói.

Phấn khởi trước việc phương án 2 + 2 được phê duyệt, em Nguyễn Thị Anh Thư - học sinh Trường THPT Bình Thạnh Đông (An Giang) tin rằng, với phương án này, các thí sinh sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao.

“Với 4 môn thi gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, em vẫn có nhiều cách lựa chọn môn thi nhưng khối lượng bài vở, kiến thức phải ôn tập sẽ được giảm nhẹ rất nhiều. Hơn thế, việc ôn tập sẽ không bị dàn trải ở nhiều môn mà có thể đặt trọng tâm vào 2 môn bắt buộc và 2 môn mình lựa chọn. Như vậy, vừa tiết kiệm thời gian nhưng kiến thức ôn tập có thể nắm vững và sâu hơn”, Anh Thư chia sẻ.

Tương tự, Nguyễn Thị Ngọc Thảo - học sinh Trường THPT Lương Định Của (TP Cần Thơ) - vui mừng trước quyết định phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GDĐT mới đây: “Theo em, phương án sẽ giúp các thí sinh xác định rõ môn học nào phù hợp với khả năng của bản thân cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai”.

Vạch ra định hướng học tập phù hợp

Bên cạnh sự phấn khởi khi phương án thi tốt nghiệp THPT mong muốn được phê duyệt, Hoàng Lợi đã bắt đầu vạch ra những định hướng để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng vào năm tới.

“Phương án này được phê duyệt đồng nghĩa em sẽ là khoá học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều này làm em rất phấn khởi và hào hứng. Cho nên, để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, em sẽ cân nhắc lựa chọn những môn học phù hợp với năng lực cũng như khối ngành mà bản thân muốn xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học”, Hoàng Lợi nói.

Theo đó, bên cạnh nội dung học tập trên lớp, Hoàng Lợi sẽ bổ sung thêm những kiến thức nâng cao ở các môn bản thân lựa chọn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Từ đó, giúp tăng cường kiến thức cũng như cơ hội trúng tuyển cho bản thân.

Cũng mang tâm thế của khóa học sinh đầu tiên được trải nghiệm phương án thi tốt nghiệp THPT mới, Ngọc Thảo cho biết sẽ xem xét lựa chọn môn học phù hợp. Theo đó, trong các môn học trên lớp, em sẽ tăng cường kiến thức ở môn thi tốt nghiệp THPT.

“Với dự định sẽ học ngành Sư phạm Ngữ Văn nên các môn em ưu tiên lựa chọn thi tốt nghiệp THPT sẽ nghiêng về khối xã hội. Tuy nhiên, em vẫn cần thời gian cân nhắc lựa chọn. Một khi lựa chọn xong, em sẽ đặt trọng tâm ôn tập vào các môn xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Riêng với các môn khác, em vẫn sẽ duy trì thành tích học tập như thường ngày vì với em môn học nào cũng rất quan trọng và cần thiết”, Ngọc Thảo nói.

Không chỉ vạch ra định hướng về việc lựa chọn môn học, cách học phù hợp với phương án thi tốt nghiệp THPT mới, các học sinh này còn bày tỏ mong muốn sớm có đề thi minh họa để có thể chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi quan trọng vào năm tới.

Ngày 29.11, Bộ GDĐT đã công bố phương án tổ chức kì thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Thí sinh thi bắt buộc 2 môn gồm Toán và Ngữ văn. Đồng thời, thí sinh sẽ được tự chọn các môn còn lại được học ở lớp 12 bao gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Theo Bộ GDĐT, 2+2 là phương án tổ chức thi gọn nhẹ, giảm tải nhất, đồng thời cũng sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn