MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Tiểu học Châu Thành (Quỳ Hợp, Nghệ An) - nơi nhiều giáo viên dạy hợp đồng chịu cảnh “ 5 không”. Ảnh: QUANG ĐẠI

Vướng cơ chế, hàng trăm giáo viên chịu cảnh “5 không”

QUANG ĐẠI LDO | 01/12/2017 06:30
Tại Nghệ An, hiện có hàng trăm giáo viên (GV) dạy hợp đồng trong các trường tiểu học, THCS nhưng không được ký HĐLĐ đúng quy định, không được đóng BHXH, BHYT, không được đánh giá xếp loại, không được thi GV giỏi, sáng kiến kinh nghiệm. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng vẫn còn bế tắc vì “vướng” cơ chế.

Giáo viên "5 không"

Năm 2014, tốt nghiệp đại học tiểu học, V.A (trú TP.Vinh) không thể vào viên chức do không còn biên chế, đành chấp nhận làm GV hợp đồng tại một trường tiểu học trên địa bàn. Sau thời gian thử việc đạt yêu cầu, V.A được Hiệu trưởng cho ký HĐLĐ dạng thời vụ (mỗi tháng ký một lần), thù lao trả theo giờ dạy, mỗi tiết được trả 40.000 đồng, với giao kết là khi nào trường đủ GV thì phải nghỉ. Trong khi đó, giờ giấc làm việc của V.A không khác GV biên chế, thậm chí còn nhiều hơn, lên đến 25-27 tiết/tuần (định mức giờ dạy của GV tiểu học là 23 tiết/tuần).

Tuy nhiên, V.A không có các loại bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN), không được hưởng các phụ cấp, không được đánh giá xếp loại vào cuối năm… “Bọn em là GV “5 không”, nhiều khi nghĩ cũng rất tủi thân, nhưng cứ thấy ánh mắt trong veo của học sinh là em lại từ bỏ ý định nghỉ việc. Các em không phân biệt cô giáo biên chế hay hợp đồng, mà dành cho cô tình yêu mến vô tư” - V.A chia sẻ.

Hoàn cảnh của V.A không phải là cá biệt. Đến hai trường tiểu học trên địa bàn TP.Vinh, chúng tôi đã ghi nhận 17 trường hợp GV hợp đồng tương tự V.A. Hiệu trưởng Trường Tiểu học TB cho biết: “Trường có 1.100 học sinh, nhưng chỉ có 33 GV, nếu tính định mức theo Thông tư 35 thì còn thiếu hơn 10 người. Nên chúng tôi hợp đồng 10 GV theo hình thức thỉnh giảng, vài ba tháng ký một lần, khi có đủ GV thì những người này phải nghỉ. Chúng tôi buộc phải hợp đồng GV, vì học sinh không thể nghỉ, lớp không dồn lại được”.

Ông hiệu trưởng giải thích vì có quy định không cho các trường hợp đồng GV, nên phải ký hợp đồng thỉnh giảng, mặc dù biết GV thiệt thòi. Trong số 10 GV nói trên, nhiều người đã dạy hợp đồng tại trường một vài năm; tất cả đều có trình độ đào tạo vượt chuẩn, ý thức, chuyên môn tốt.

Nhiều hiệu trưởng đề nghị không đưa sự việc của trường lên báo, với lý do đây là thực trạng chung trên địa bàn thành phố. Một hiệu trưởng khác cũng thừa nhận việc ký hợp đồng dạng thời vụ đối với GV hợp đồng là sai, nhưng không có cách nào khác.

“Vướng” cơ chế

Tại huyện Nghi Lộc, do thiếu GV hiện có khoảng 100 GV hợp đồng tại các trường và hầu hết cũng chịu cảnh “5 không” như ở TP.Vinh. Tại huyện Nam Đàn và nhiều huyện, thị khác, cũng có tình trạng tương tự.

Một lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc tiết lộ: “Chúng tôi rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh các GV hợp đồng. Vừa qua, chúng tôi đã chuẩn bị số tiền 600 triệu đồng để nộp bảo hiểm cho các GV này, nhưng không thể nộp được vì vướng quy định”. Ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn - cũng mong muốn tỉnh có cơ chế cho các trường hợp đồng GV, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cơ sở, bảo đảm quyền lợi GV.

Ông Chu Văn Long - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở GDĐT Nghệ An - cho biết: “Do quy định siết chặt biên chế và không được ký hợp đồng chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nên có tình trạng các trường thiếu GV phải ký hợp đồng để đảm bảo nội dung dạy học. Đây là nhu cầu chính đáng, bức xúc của các cơ sở giáo dục, chúng tôi đã đề xuất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết”.

Ông Chu Văn Long cho biết thêm, con số cụ thể do các huyện nắm, thậm chí các huyện không thống kê, vì nếu làm rõ ra thì đó là không đúng.

Trao đổi với PV, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An, ông Lê Trường Giang cho biết: “Theo quy định hiện hành, lao động từ đủ 3 tháng trở lên phải đóng BHXH (từ năm 2018 là đủ 1 tháng). Tuy nhiên, cần xem xét loại hợp đồng lao động; nếu thuộc đối tượng bắt buộc đóng BHXH mà không đóng thì sẽ bị xử lý”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn