MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động học tập suốt đời.

Xây dựng nền giáo dục số để người dân có cơ hội học tập mọi lúc - mọi nơi

Bích Hà LDO | 18/06/2021 11:56
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, để người dân có thể giam gia tự học mọi lúc, mọi nơi.

Xây dựng xã hội học tập có chuyển biến tích cực

Ngày 18.6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 89 năm 2013 (gọi tắt là Đề án 89).

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chủ trì hội nghị.

Tổng kết sau 8 năm triển khai đề án 89, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, các cấp, các ngành và đoàn thể từ trung ương đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc và đã đạt được kết quả quan trọng. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tăng cường; Các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh dạy học từ xa, dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và từng bước xây dựng các khóa học trực tuyến mở đại chúng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án còn một số hạn chế. Trong đó, nhận thức và trách nhiệm đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị… còn chưa đồng bộ, đúng mức.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở một số nơi chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm. Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn…

Đẩy mạnh xây dựng nền giáo dục số

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng LĐLĐ Việt Nam - đã nêu bật những kết quả mà hệ thống công đoàn đạt được trong 5 năm triển khai đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời cho công nhân lao động. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống công đoàn đã xuất hiện nhiều mô hình hay để đẩy mạnh việc học tập suốt đời, với sự chung tay, vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp trong việc tạo cơ chế, chính sách để công nhân lao động được tham gia đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề.

Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị cấp ủy chính quyền địa phương, người sử dụng lao động quan tâm hơn nữa đến hoạt động đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân, người lao động. Đồng thời kiến nghị cần thiết xây dựng và ban hành đề án mới để tiếp tục hình thành và phát triển xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, trong đó có việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong công nhân.

Cũng đồng tình cần tiếp tục ban hành đề án mới, GS-TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội khuyến học Việt Nam - cho rằng, thời gian tới, để thực hiện hiệu quả hơn cần có sự bắt tay của trường đại học và doanh nghiệp, trong việc mở khóa đào tạo, để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, nguồn nhân lực của chính doanh nghiệp.

Còn theo TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương, khi ban hành đề án xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2021-2030 nếu không đặt nặng trong bối cảnh chuyển đổi số, mà tiếp tục như giai đoạn trước là tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thì rất vất vả mới có thể thành công và theo kịp sự phát triển của thời đại mới.

Ông cho rằng, xã hội học tập tới đây phải hướng tới mục tiêu tạo ra các công dân số với đầy đủ năng lực, kỹ năng số. Muốn làm được điều này thì một yếu tố quan trọng cần có là cơ chế chính sách và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đào tạo kỹ năng số cho công dân; huy động trí tuệ và sự đóng góp từ nguồn xã hội hoá để phát triển chuyển đổi số trong GDĐT.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, để tiếp nối kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” sẽ đề ra một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động học tập suốt đời.

Đẩy mạnh sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học liên thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên để cung ứng nguồn tài nguyên học liệu mở, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn