MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Đào Tuấn Đạt - lãnh đạo Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Xây dựng thư viện sách để tránh "bôi trơn" khi chọn sách giáo khoa

HUYÊN NGUYỄN - ĐỨC THÀNH LDO | 23/11/2019 07:36

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố 32 sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước quy định các địa phương được chọn sách giáo khoa, TS Đào Tuấn Đạt - lãnh đạo Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội cho rằng rất khó để tránh được hiện tượng “bôi trơn”, “vận động hành lang” trong quá trình triển khai.

- Thưa TS Đào Tuấn Đạt, làm thế nào để có thể chọn lựa được một bộ sách tốt nhất để giảng dạy cho học sinh?

Chúng ta đang thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa. Việc này nhằm tạo ra sự cạnh tranh trong viết sách, tránh độc quyền và tìm phương án tốt nhất cho giảng dạy của giáo viên và học của học sinh.

Sẽ không có bộ sách giáo khoa nào đủ tốt, đủ hay nhất và thích hợp với mọi đối tượng. Vì thế, người giáo viên sẽ phải sử dụng nhiều sách giáo khoa, mỗi quyển sẽ có những cái hay riêng và phù hợp với tuỳ từng học sinh.

Như chúng ta thấy, ngay trong 1 tỉnh thì trình độ học sinh tại các khu vực thành thị, nông thôn, hải đảo, miền núi… cũng khác nhau. Thậm chí, trong 1 trường học cũng có lớp theo xu hướng khoa học tự nhiên khác, lớp theo xu hướng khoa học xã hội, mỗi cuốn sách sẽ phù hợp với từng đối tượng khác nhau.

Theo cá nhân tôi, người giáo viên sẽ tự xác định được lớp nào, trình độ học sinh của mình như thế nào để lựa chọn sách giáo khoa thích hợp nhất. Quyền quyết định cần để cho giáo viên và người sử dụng, người bỏ tiền mua là học sinh được lựa chọn.

- Hiện nay, theo quy định trong Luật Giáo dục, các tỉnh sẽ quyết định sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường, ông đánh giá sao trước lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng “bôi trơn”, không minh bạch, công bằng?

Tôi cho rằng một khi để cho các tỉnh được chọn sách giáo khoa thì rất khó để tránh việc “vận động hành lang”, “bôi trơn”. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải có hướng dẫn để hạn chế tối đa hiện tượng trên. Hiện nay, chúng ta vẫn đang chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ.

- Dư luận còn lo ngại lãng phí sách giáo khoanếu như việc chọn sách không ổn định, không sử dụng lại được sách cũ. Cá nhân ông nhận định sao về việc này?

Đây là lần đổi mới về cả khung chương trình, mục tiêu, yêu cầu cần đạt lẫn cách tổ chức dạy học vì vậy những năm học đầu tiên sẽ còn bỡ ngỡ. Các tỉnh sẽ khó có thể chọn ngay được bộ sách phù hợp nhất với thực tế tại địa phương nên có thể sẽ phải tổ chức thẩm định, chọn lại sách. Việc thay đổi tuỳ theo quá trình sử dụng thực tế.

Nói vậy, không có nghĩa là có thể thay đổi liên tục. Quá trình lựa chọn và sử dụng sách phải đảm bảo tính ổn định. Các địa phương phải cân nhắc, có hội đồng thật sáng suốt, công tâm, minh bạch để chọn ra phương án tốt nhất.

- Vậy làm sao để đảm bảo 3 tiêu chí vừa chọn được sách giáo khoa phù hợp nhất, vừa đảm bảo tiêu chí minh bạch, khách quan lại không lãng phí, thưa TS Đào Tuấn Đạt?

Tôi cho rằng phương án hợp lý và cần thiết nhất là nhà trường phải có nhiều bộ sách giáo khoa. Cần phải xây dựng lại thư viện sách giáo khoa, cho thuê với giá rẻ để học sinh, giáo viên thoải mái chọn sách giáo khoa phục vụ cho giảng dạy, học tập và tham khảo. Việc này cũng đảm bảo được cả 3 tiêu chí chúng ta vừa bàn luận.

Khi có sách mới, tôi cũng sẽ áp dụng phương án này cho học sinh, giáo viên của mình. Tính vòng đời sách, ít nhất khoảng 10 năm thì giá để cho thuê sẽ rất rẻ.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn