MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục

Tường Vân LDO | 22/08/2022 21:25

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định, văn hóa học đường, người hưởng thụ không chỉ là học sinh mà cả các thầy cô giáo và cả cộng đồng.

Chiều 22.8, Bộ GDĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường". 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MOET

Ngành giáo dục đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây sẽ là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người.

Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MOET

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ GDĐT chỉ đạo, xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án triển khai Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai xây dựng văn hóa học đường; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ đồng hành, bám sát thực hiện để làm từng thành viên trong nhà trường bao gồm quản lý, giáo viên, học sinh, người lao động đều thẩm thấu, hình thành và giữ gìn nét văn hóa học đường.

Văn hóa dạy và học xuống cấp bởi đủ thứ 'chạy'

Tại Hội nghị, PGS.TS Đào Duy Quát, Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Tư tưởng  - Văn hóa Trung ương nhấn mạnh quan điểm:

"Cần nhận thức văn hóa học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực được kiến tạo và không ngừng hoàn thiện qua quá trình tương tác ứng xử giữa nhà quản lý giáo dục, cán bộ giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và các cộng đồng với nhau.

Qua đó, giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ trong các nhà trường phát triển toàn diện: nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước".

GS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: MOET

Ông Quát cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn, thậm chí lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản của học đường. 

Vẫn còn tình trạng bạo lực học đường, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong lớp trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất. Văn hóa dạy và học biến dạng xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”. Sau tốt nghiệp thì “chạy” vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc của học sinh, sinh viên và phụ huynh. Cùng với đó là tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên… 

Theo ông Quát, đây thực sự là những “điểm nóng” của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Văn hóa học đường, người hưởng thụ không chỉ là học sinh…

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, văn hóa học đường, người hưởng thụ không chỉ là học sinh mà cả các thầy cô giáo và cả cộng đồng.

"Có một môi trường mà văn hóa học đường tốt thì các thầy cô cũng yên tâm gắn bó, cống hiến" - ông Sơn nói.

Để xây dựng văn hóa học đường, ông Sơn cho rằng không chỉ phó thác trách nhiệm của nhà trường, các nhà giáo mà cần sự chung tay của toàn xã hội, phụ huynh.

Mỗi người lớn cần là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo. Mỗi phụ huynh cần là tấm gương lương thiện cho học sinh noi theo. Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng đẹp cho học sinh noi theo. Không thể phó thác chỉ cho thầy cô làm gương.

"Chúng ta cần quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường để giữa cho đây là môi trường trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất, và đương nhiên là môi trường đậm chất văn hóa nhất" - Bộ trưởng nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn