MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xây dựng vị thế của trường đại học từ các nhóm nghiên cứu mạnh

Trang Hà LDO | 14/03/2021 07:00

Trong những năm gần đây, việc đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh đã trở thành chiến lược mới cho các trường đại học nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ.

Những bước đi đầu tiên

Nhóm nghiên cứu mạnh là nhóm tập hợp nhiều nhà khoa học đầu tàu trong một lĩnh vực, có hướng nghiên cứu chuyên sâu, có mối quan hệ hợp tác quốc tế tốt và có nhiều công bố hoặc các bài báo công bố tốt, có chỉ số ảnh hưởng cao.

Với Đại học Thái Nguyên, theo GS-TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên, việc có chủ trương xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học đã tạo điều kiện cho các trường xây dựng và phát triển nghiên cứu khoa học.

"Nhà trường đã ấp ủ nội dung này từ khá lâu, đến nay, có một số nhóm nghiên cứu mạnh được hình thành, đang hướng đến một tiêu chuẩn cao hơn.

Kết quả điển hình là nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên (nghiên cứu về sinh học phân tử) của liên trường Đại học Khoa học và trường Đại học Y dược đã sản xuất được bộ xét nghiệm COVID-19, được Bộ Y tế kiểm định và ứng dụng vào sản xuất. Nhóm nghiên cứu mạnh thứ hai là nhóm nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao gắn với sinh thái môi trường, có 21 sáng chế được công nhận" - GS Quang cho biết.

Nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) sản xuất nước rửa tay sát khuẩn từ nghiên cứu khoa học ứng dụng. Ảnh: NTCC

Dốc trọn tâm-trí-lực cho nghiên cứu khoa học

Được ghi nhận là nhà giáo tiêu biểu trong giảng dạy, nghiên cứu, có nhiều công bố xuất sắc, PGS.TS Vũ Ngọc Pi - Trưởng nhóm nghiên cứu tối ưu hóa trong thiết kế và gia công cơ khí, trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Ðại học Thái Nguyên) cho biết, năm 2018, nhóm nghiên cứu mạnh của trường đã được hình thành và chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

Trong quá trình hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm khoa học, ngoài việc sử dụng phòng thí nghiệm do trường đầu tư, nhóm nghiên cứu còn tự trang bị phòng thí nghiệm riêng. Trong đó, trường trang bị nhiều thiết bị hiện đại như máy phay CNC, máy tiện CNC, máy gia công cắt dây tia lửa điện để thuận lợi trong việc nghiên cứu. Toàn bộ kinh phí hoạt động đều do các cá nhân trong nhóm đầu tư.

Đặc biệt, để tạo động lực, sức mạnh tập thể, nhóm còn có chế độ riêng động viên các nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh. Theo đó, học viên cao học không phải đóng tiền làm thí nghiệm, được sử dụng máy móc miễn phí; các nghiên cứu sinh tham gia làm thí nghiệm được hỗ trợ tiền công bồi dưỡng.

Từ thời gian thành lập đến nay, nhóm đã thực hiện thành công một số đề tài cấp bộ, cấp tỉnh và gần 20 đề tài cấp cơ sở, phần lớn các đề tài đều phục vụ cho khoa học, sản xuất. Riêng năm 2020, nhóm đã có 30 bài nghiên cứu công bố quốc tế.

Qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay, nhóm đã có hơn 20 thành viên (gồm 10 tiến sĩ và các phó giáo sư) là giảng viên trong trường và giảng viên đến từ trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Giao thông vận tải, trường Đại học Nguyễn Tất Thành và trường Đại học Ðiện lực.

"Tháo nút thắt" trong nghiên cứu khoa học

Để xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh, lãnh đạo Đại học Thái Nguyên cho rằng, các trường cần có chính sách đầu tư mạnh, tích cực hỗ trợ chuyển giao công nghệ và có chế độ đãi ngộ tốt với các nhà khoa học.

"Không nhất thiết là giáo sư phải giảng dạy nhiều hơn phó giáo sư, phó giáo sư không nhất thiết phải giảng dạy nhiều hơn tiến sĩ. Bởi trọng số nghiên cứu khoa học sẽ được cân bằng với trọng số giảng dạy để tránh tình trạng áp dụng quy định hành chính cứng nhắc vào học thuật, qua đó cũng tạo điều kiện và động lực cho các nhà khoa học dồn tâm trí nghiên cứu" - GS.TS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh.

Giám đốc Đại học Thái Nguyên cũng cho hay, năm 2020, chuyển giao công nghệ của đại học đã thu được gần 200 tỉ đồng. Riêng trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) đã mang lại hơn 100 tỉ đồng. Đồng thời, Đại học Thái Nguyên đã có gần 100 bài báo quốc tế trên các tạp chí nổi tiếng ISI, đứng vị trí thứ 3 của cả nước về chỉ số nội lực trong công bố khoa học.

Sự phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường đại học được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực mới, giúp thúc đẩy các công trình nghiên cứu khoa học phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quan trọng hơn là nỗ lực để các công trình này có tính ứng dụng cao, triệt để đi vào thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn