MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khoa cử là con đường tiến thân của sĩ nhân thời xưa.

Xem lại sử sách từ vụ gian lận thi cử: Nhận gửi gắm chấm thi con quan, phó chủ khảo bị xử tử

Lê Tiên Long LDO | 21/07/2018 07:30

Thời phong kiến, khoa cử dường như là con đường duy nhất để nhân tài tiến thân nên thi cử khá nghiêm minh. Tuy nhiên, vẫn xảy ra không ít những vụ gian lận thi cử, gửi gắm, nâng đỡ.

Có người gửi gắm và người nhận giúp đỡ, tất sẽ xảy ra gian lận, và nhiều vụ gian lận bị phát giác đã bị xử lý nghiêm minh. 

Điển hình là vụ gửi gắm con và học trò của Tham tụng Lê Hy, dẫn đến án tử hình cho quan phó chủ khảo Ngô Sách Tuân.

Ngô Sách Tuân (1648-1697) người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng bậc nhất lúc bấy giờ, cha và anh đều đỗ tiến sĩ, làm quan trong triều. Sách Tuân đỗ tiến sĩ năm 1676 đời vua Lê Hy Tông khi 29 tuổi, làm quan tới chức Hữu thị lang bộ Lại. 

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại nội dung câu chuyện này như sau: Năm 1696, Ngô Sách Tuân được cử làm Phó chủ khảo ở trường thi Thanh Hóa. Trước khi đi Thanh Hóa, Sách Tuân có đến gặp Tham tụng Lê Hy để chào từ biệt.

Lê Hy (1646-1702) lúc đó giữ chức Tham tụng trong phủ chúa Trịnh, nắm quyền Tể tướng. Ông cũng là danh sĩ triều Lê, đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1664 lúc mới có 18 tuổi, làm quan được thăng lên đến các chức Thượng thư bộ Binh bên cung vua, rồi làm Tham tụng bên phủ Chúa, được ban tước Lai Sơn Bá.

Lê Hy quê ở tổng Thạch Khê, huyện Đông Sơn, nay là thôn Thạch Khê, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Khi Ngô Sách Tuân đến chào, Lê Hy mới gửi gắm người con trai nhờ khảo quan nâng đỡ. Sử sách không viết rõ, nhưng có lẽ con của Lê Hy học ở Thanh Hóa và đăng ký dự thi ở trường thi này. Cương mục viết rằng Lê Hy đem hình dáng giấy đóng quyển thi của các con mình cho Sách Tuân biết, vì khi chấm thi, tất cả các quyển thi đều bị rọc phách để không nhận ra là quyển của ai.

Trong kỳ thi đó con của Lê Hy không đỗ, Ngô Sách Tuân đã lấy những quyển thi bị đánh hỏng đó đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ.

Sự việc này bị quan Đề điệu trường thi (chủ khảo kỳ thi) là Phó đô ngự sử Ngô Hải phát hiện, nhưng ông này hứa sẽ giấu kín chuyện.

Thế nhưng quan Tham chính là Phan Tự Cường lại phát giác và tâu lên chúa Trịnh. Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (phải thắt cổ mà chết). Ngô Hải vì không có lòng chính trực nên bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn người tố cáo là Phan Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.

Nhưng người gửi gắm là Lê Hy, do là đại quan, lại không bị phạt gì. Sau này, Lê Hy là người biên soạn phần sau của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ tục biên, chép từ đời Lê Huyền Tông đến Lê Gia Tông và là người viết tựa cho sách ấy.

Khi Lê Hy mất, được triều đình truy tặng hàm Thái Bảo, tước Lại Quận công, ban tên thụy là Duệ Đạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn