MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hằng ngày nhân viên thư viện vãn thực hiện các tiết đọc cho học sinh.

Xem xét trả lại tên gọi giáo viên thư viện cho đội ngũ nhân viên thư viện

Ngọc Lê - nhân viên thư viện tại Thanh Hóa LDO | 30/12/2023 06:31

Những người làm công tác thư viện hằng ngày phải hoàn thành nhiều công việc để thư viện trường học ngày càng phát triển, nhằm hoàn thành vai trò, sứ mệnh mà Nhà nước giao phó. Trong đó, có một nhiệm vụ nghe qua tưởng chừng nhẹ nhàng, đơn giản, không có gì phải bàn cãi đó là “giảng dạy kiến thức thư viện cho học sinh” với vai trò “giáo viên thư viện” (Quyết định 61/1998/QĐ-BGDĐT, ngày 06 tháng 11 năm 1998), nhưng thực thế đang tồn tại nhiều bất cập.

Trong Điều 7, Quyết định 61/1998/QĐ-BGDĐT, ngày 06 tháng 11 năm 1998 có quy định cụ thể về nhiệm vụ của nhân viên thư viện trường học như sau: “Giảng dạy kiến thức thư viện cho học sinh”, “để thực hiện những nhiệm vụ trên, giáo viên phụ trách công tác thư viện phải tốt nghiệp sư phạm từ trung học trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thư viện. Nếu là người phụ trách thư viện được đào tạo từ các trường nghiệp vụ thư viện, thông tin văn hoá thì phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên phụ trách công tác thư viện”.

Đọc văn bản trên chắc hẳn mọi người đã và sẽ nghĩ ngay đến hai chiều hướng:

- Thứ nhất, giáo viên tốt nghiệp chuyên môn bất kì làm công tác thư viện và giáo viên phụ trách công tác thư viện học qua nghiệp vụ thư viện. Và điều cần quan tâm nhất ở đây chính là giáo viên có chuyên môn khác mà phụ trách công tác thư viện phải tốt nghiệp sư phạm từ trung học trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thư viện.

- Thứ hai, nếu là người phụ trách thư viện được đào tạo từ các trường nghiệp vụ thư viện, thông tin văn hoá thì phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên phụ trách công tác thư viện.

Bên cạnh đó, ở Thông tư số 20/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Đào tạo ngày 30.10. 2023, hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, nhân viên thư viện được tính trả lương và phụ cấp cho người làm công tác thư viện hưởng theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng lại thực hiện tiết đọc thư viện như một giáo viên. Vì vậy, chúng tôi lại vừa là viên chức vừa là giáo viên đứng lớp.

Một tiết dạy học của nhân viên thư viên tại các trường học. Ảnh: B.H

Qua đây, chúng tôi mỗi một nhân viên thư viện trường học có một mong muốn thiết tha đến các bộ, ngành có cái nhìn toàn diện, thấu hiểu đến lực lượng nhỏ chúng tôi. Đóng một lực lượng nhỏ thôi trong ngành Giáo dục nhưng vai trò và nhiệm vụ của chúng tôi lại không hề kém cạnh; khi thư viện là linh hồn của trường học, thư viện là một trường học được nối dài, là bộ phận quyết định đến chất lượng học tập và giáo dục của nhà trường, là một người phụ trách tiết đọc và cũng tham gia soạn giảng… Trên các cơ sở đó, chúng tôi mong mỏi các bộ, các ban ngành hãy trả lại cho chúng tôi về đúng vị trí vốn có của nó là - giáo viên thư viện.

Bởi lẽ rằng, trong các Luật, Thông tư, Nghị định hiện nay quy định tất cả các công việc, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của một người làm công tác thư viện trường học giống như 1 giáo viên thì tại sao các bộ, ngành không công nhận chúng tôi là những người giáo viên thư viện, với sự công bằng trong cách gọi, trong việc trả lương, chế độ phụ cấp như một giáo viên?

Trong môi trường sư phạm, nhân viên thư viện cũng được gọi là thầy cô, cũng thực hiện tiết đọc thư viện, cũng lên lớp, cũng soạn giảng như một giáo viên nhưng vị trí việc làm là nhân viên và không hưởng được bất cứ phụ cấp nào ngoài lương... là một bất cập.

Mặt khác theo Quyết định 61/1998 và Thông tư 16/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, nhân viên thư viện trường học là giáo viên thư viện dạy tiết đọc thư viện và phụ trách mảng thư viện... vì thế đề xuất được hưởng đứng lớp và các phụ cấp độc hại của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Quy định là vậy, nhưng đến nay, đội ngũ làm thư viện trường học nơi được hưởng, nơi lại chưa được hưởng những quyền lợi này, vì thực tế có tỉnh đã được hưởng 0.2 phụ cấp độc hại, phụ cấp hiện vật và truy lĩnh 0.2 phụ cấp độc hại từ lâu rồi.

Không ở đâu xa, trong Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở đã đề cập như thế này: “Những thư viện viên trường học làm việc trong những thư viện trường học và có trách nhiệm như những giáo viên, chuyên gia công nghệ thông tin, hỗ trợ việc đọc… Ngoài quản lý thư viện, những giáo viên - thư viện viên có chứng chỉ hướng dẫn từng cá nhân học sinh, từng nhóm và từng lớp học và các giáo viên về các phương pháp nghiên cứu hiệu quả thường là các kĩ năng tìm kiếm thông tin”.

Có lẽ rằng, mọi việc đều đi từ lý thuyết đến thực tiễn, rồi từ thực tiễn hoàn thiện lý thuyết. Chúng tôi là những người đang gánh vác trọng trách, đang là lực lượng giúp hoàn thiện thể chế. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn đến các bộ, ngành ra những quyết định, thông tư cụ thể để trả lại danh xưng giáo viên thư viện và phụ cấp đứng lớp cho chúng tôi. Đồng thời có những văn bản chỉ đạo các cấp nhằm thực thi những quyết định, thông tư đó để những nội dung đó sớm đi vào thực tiễn, trả lại quyền lợi là danh xưng giáo viên thư viện, phụ cấp đứng lớp 35% với cấp tiểu học và 30% với cấp THCS cho chúng tôi một cách nhanh nhất.

Cũng là để lực lượng những người luôn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và kiến thức bổ trợ để đảm nhận và hoàn thành xuất sắc vai trò thư viện trường học mà nhà nước đã giao phó, thì một lần nữa rất mong được các bộ, ngành quan tâm, xem xét danh xưng, chế độ một cách xứng đáng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn