MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều thí sinh sử dụng IELTS để xét tuyển đại học. Ảnh: Phan Liên

Xét điểm IELTS vào đại học, thí sinh đổ xô đi học chứng chỉ

Vân Trang LDO | 27/06/2023 06:24

Năm 2023, hàng loạt trường đại học sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển. Nhiều thí sinh dành phần lớn thời gian đầu tư học tiếng Anh với hi vọng tăng cơ hội trúng tuyển vào trường đại học yêu thích.

Đầu tư học ngoại ngữ từ sớm

Em Nguyễn Yến Nhi, học sinh lớp 12 tại Hà Nội đã sử dụng kết quả học bạ THPT và chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học. 

Xác định luyện chứng chỉ ngoại ngữ mất khá nhiều thời gian, Yến Nhi đã ôn thi từ hè năm lớp 11. Đầu năm lớp 12 em bắt đầu tập trung cao độ vào ôn luyện IELTS. 

Yến Nhi chia sẻ, em đã trải qua 3 khóa học IELTS. Đầu tiên là khóa cơ bản. Sau đó là khóa nâng cao và cuối cùng là khóa 1:1 trong vòng 1 tháng. Tổng 3 khóa học khoảng hơn 30 triệu. 

"Mẹ và cô chủ nhiệm khuyên em nên thi sớm, trước khi vào năm học lớp 12. Bởi lên lớp 12, em còn dành thời gian cho các môn thi tốt nghiệp THPT. Việc có chứng chỉ IELTS sớm giúp em bớt phần gánh nặng bởi hiện nay có khá nhiều trường đại học lấy điểm IELTS" - Yến Nhi chia sẻ.

Cô Bùi Thị Ánh Dương - Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, thực tế, không ít học sinh hiện nay đổ xô đi học thêm, học ôn để thi chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng nên đầu tư học loại chứng chỉ này. 

"Để thi IELTS, các em cần có kĩ năng, quá trình xây dựng nền tảng từ rất lâu. Ví dụ 1 học sinh chưa bao giờ học nói, học nghe, nếu chỉ học 3 tháng, 6 tháng rất khó để thi được chứng chỉ IELTS. Thậm chí, các em phải xác định, thi lần 1 đạt IELTS 5.5 không có nghĩa lần 2 lên 6.0 bởi điểm số đôi khi còn phụ thuộc vào đề thi, chủ đề bài viết, bài nói của đợt thi đấy" - cô Ánh Dương nói.

Chính vì lí do nêu trên, giảng viên này cho rằng, việc nhiều thí sinh đổ xô đi học IELTS trong 1 thời gian ngắn, học ôn cấp tốc chưa có nền tảng là 1 sự mạo hiểm.

“Bạn nào có thế mạnh ngoại ngữ, có nền tảng mới nên đầu tư cho việc học ngoại ngữ. Những em không có thế mạnh ngoại ngữ nên tham khảo, cân nhắc thêm các phương thức xét tuyển đại học khác thay vì đổ xô đi học tiếng Anh" - cô Ánh Dương chia sẻ.

Xét tuyển đại học bằng IELTS có công bằng? 

Trong nhiều năm trở lại đây, IELTS trở thành một tiêu chí mới trong xét tuyển đại học. Thí sinh có thể sử dụng chứng chỉ IELTS để đăng kí xét tuyển, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp vào nhiều ngành tại nhiều trường đại học trên cả nước.

Nhiều trường đại học top đầu như Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân,... ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ này. Mức điểm phổ biến được các trường đưa ra là từ 5.5 IELTS trở lên.

Có ý kiến băn khoăn, việc các trường ưu tiên xét tuyển chứng chỉ IELTS liệu có đảm bảo công bằng với tất cả các thí sinh hay không. Theo lí giải của các trường đại học việc tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS thường kèm theo các điều kiện khác như kết quả học tập tại bậc THPT (học bạ), điểm thi tốt nghiệp THPT… Điều này đảm bảo thí sinh đáp ứng đủ yêu cầu năng lực chuẩn đầu vào.

Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Quản lí Đào tạo, Trường Đại học Thương Mại - cho rằng, trong đào tạo hiện nay, Bộ GDĐT yêu cầu chuẩn kĩ năng ngoại ngữ rất cao. Vậy nên, những thí sinh có ngoại ngữ tốt sẽ đỡ mất thời gian cho việc tập trung đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ, học tập các môn chuyên ngành.

"Năm nào chúng tôi cũng thống kê các thông tin tuyển sinh của nhà trường với kết quả thi. Chúng tôi nhận thấy, nhóm thí sinh có chứng chỉ thi ngoại ngữ thường có kết quả học tập cao hơn so với các thí sinh khác. Do đó, chúng tôi quyết định điều chỉnh đề án tuyển sinh, tăng số lượng chỉ tiêu cho các phương án xét tuyển có chứng chỉ IELTS" - ông Trung chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn