MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đã có hơn 100 trường đại học công bố xét học bạ THPT năm 2024. Ảnh: Trang Hà

Xét học bạ THPT kèm theo tiêu chí phụ để nâng cao chất lượng đầu vào

Thanh Hằng LDO | 20/02/2024 08:08

Trước sức nóng của phương thức xét học bạ THPT trong mùa tuyển sinh đại học 2024, giáo viên và các chuyên gia giáo dục cho rằng, trường đại học nên đánh giá năng lực thí sinh dựa trên nhiều yếu tố để đảm bảo độ tin cậy và sự công bằng.

"Nóng" chuyện xét học bạ THPT

Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 100 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước công bố sử dụng phương thức xét học bạ THPT trong mùa tuyển sinh 2024.

Trong số này, các trường "hot" như Trường Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Luật TPHCM... đặt ra thêm tiêu chí phụ. Trong khi đó, phần lớn các trường còn lại chỉ sử dụng điểm 4-6 học kỳ, có trường chỉ sử dụng điểm 2-3 học kỳ bậc THPT.

Mùa tuyển sinh 2024 cũng là năm đầu tiên khối trường quân đội tuyển sinh bằng học bạ (trừ Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân Y), với khoảng 10% chỉ tiêu. Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng chưa công bố cách tuyển sinh và chỉ tiêu chi tiết từng trường.

Xét học bạ THPT là phương thức tuyển sinh được nhiều thí sinh ưa chuộng trong những mùa tuyển sinh gần đây vì sự nhanh, gọn, nhẹ. Thí sinh dễ dàng đáp ứng thủ tục theo yêu cầu, giảm áp lực thi cử lại tăng cao cơ hội vào ngôi trường mong ước, đặc biệt có thời gian chuẩn bị từ sớm.

Em Nguyễn Thanh Huyền - học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết, ngoài nỗ lực học tập, em còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, chấp hành quy định, giữ hạnh kiểm Tốt để có thể sở hữu học bạ đẹp, có thêm nhiều cơ hội vào ngôi trường yêu thích.

Nữ sinh chia sẻ, phương thức xét học bạ THPT giúp giảm bớt áp lực cho học sinh, giảm thiểu rủi ro trước kỳ thi quan trọng. Huyền dự định đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại Thương, bên cạnh việc học tập trên lớp, nữ sinh còn học ôn thi IELTS để hoàn thiện hồ sơ, tăng khả năng đỗ.

Cần đánh giá đúng năng lực học sinh, hạn chế việc “làm đẹp” học bạ

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về độ tin cậy của phương thức xét học bạ THPT, cô Lâm Thu Hương - giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - cho rằng, học bạ phản ánh được quá trình cố gắng nỗ lực và năng lực học tập của học sinh trong suốt 3 năm học THPT.

Bên cạnh việc học trên lớp, các em được tạo điều kiện để tiếp cận làm quen với nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, rèn luyện kỹ năng mềm...

“Với tinh thần tự chủ trong tuyển sinh đại học, việc các trường xét tuyển học bạ cơ bản vẫn phù hợp với một số nhóm trường nhất định, như các trường top giữa hoặc top dưới.

Tuy nhiên, đối với các trường đại học top đầu vẫn duy trì phương thức xét tuyển này, tôi cho rằng, nên giảm tỉ lệ hoặc kết hợp với các tiêu chí đánh giá kèm theo, ví dụ như giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, chứng chỉ ngoại ngữ, học sinh trường chuyên... để có thể đánh giá đúng năng lực học sinh và nâng cao chất lượng đầu vào” - cô Hương nói.

Về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng, cơ sở giáo dục đại học có thể đánh giá năng lực thí sinh dựa trên nhiều yếu tố, không chỉ xét riêng kết quả học tập bậc THPT.

Theo TS Lê Viết Khuyến, trong điều kiện hiện nay, tiêu chí chính để xét tuyển đại học vẫn nên dựa vào kỳ thi mang tính quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, nghiêm ngặt - đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điểm học bạ có thể là một tiêu chí phụ để tiếp tục chọn lọc, cùng với những tiêu chí phụ khác.

Bên cạnh đó, các trường THPT cần có hệ thống kiểm định chặt chẽ trong khâu đánh giá chất lượng, điểm số của học sinh, hạn chế tối đa tình trạng “chạy điểm”, “làm đẹp" học bạ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn