MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều học sinh và chuyên gia đề cho rằng nếu có thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia sẽ là phương án tối ưu để đảm bảo khách quan, công bằng. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Xét tốt nghiệp, tuyển sinh bằng điểm học bạ: Lo ngại thiếu khách quan

Bích Hà LDO | 15/04/2020 20:43

Tình huống xấu nhất, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ không thể diễn ra. Một trong những giải pháp được đưa ra là xét tốt nghiệp THPT cho học sinh và các trường đại học tuyển sinh bằng điểm học bạ. Nếu trường hợp này xảy ra, cả học sinh và các trường đại học đều có những lo ngại về tính khách quan và công bằng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã đưa ra các phương án để ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Ngoài việc đẩy mạnh dạy học online, dạy học qua truyền hình, thì kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học từ xa cũng được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định.

Ngoài ra, nếu học sinh có thể đi học trở lại chậm nhất là 15.6, thì học sinh lớp 12 sẽ có 3 tuần ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, kỳ thi vẫn có thể diễn ra.

Ngược lại nếu tình hình dịch bệnh chưa thể kiểm soát để học sinh đi học trở lại trước ngày 15.6, thì Bộ GDĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án phù hợp hơn. Trong đó có phương án không tổ chức kỳ thi mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.

Để chủ động trong việc tuyển sinh, một số trường đại học đã công bố phương án tổ chức kỳ thi tuyển sinh để xét tuyển đại học, tránh phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia. Trong khi nhiều trường khác sẽ xét tuyển bằng điểm học bạ THPT của học sinh.

Về phía học sinh, nhiều em bày tỏ, nếu sử dụng điểm học bạ để xét tuyển đại học sẽ có lo ngại về tính công bằng. Thực tế thời gian qua khi tiến hành dạy học online, giáo viên cũng tiến hành giao bài tập để học sinh lấy điểm miệng, điểm 15 phút, 1 tiết theo các quy định về đánh giá học sinh của Bộ GDĐT. 

Tuy nhiên có hiện tượng, nếu giao học sinh làm bài kiểm tra ở nhà thì có thể nhờ người khác làm giúp, hoặc tìm kết quả trên mạng hay sao chép đáp án từ bạn bè. Vì thế điểm kiểm tra  thường xuyên không phản ánh đúng thực lực. Nếu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học bằng học bạ THPT có thể không công bằng cho học sinh. 

Cũng có những lo ngại trên, GS-TS Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nếu trường đại học lấy chất lượng thí sinh làm tiêu chí hàng đầu khi tuyển sinh thì cần cân nhắc, tránh chỉ dùng điểm học bạ làm căn cứ xét tuyển.

Theo GS Đức, thực tế cho thấy, một số trường trường phổ thông không quá khắt khe khi đánh giá, cho điểm học sinh.  Khi đó, chúng ta xét theo học bạ sẽ có yếu tố thiếu chính xác, không công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan, nhất là các ngành “hot” như công nghệ thông tin, y, dược, kinh tế, luật,....

GS Đức đề xuất, trong trường hợp năm nay không tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia, để đảm bảo chất lượng đầu vào thì các trường đại học chỉ nên xem việc xét học bạ là hình thức sơ tuyển. Sau đó, các trường cần chủ động có phương án tổ chức các kỳ thi tuyển (trên giấy hoặc máy tính). Các trường nhỏ hơn và chưa có điều kiện tổ chức kỳ thi riêng thì có thể hợp tác và lấy điểm thi đầu vào của các trường này làm căn cứ xét tuyển đại học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn