MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xét tuyển đại học chỉ dựa vào học bạ THPT là không công bằng

Thanh Hằng LDO | 22/02/2024 06:30

Phương thức xét tuyển học bạ THPT trong mùa tuyển sinh năm 2024 đang là vấn đề nóng, nhận được nhiều sự quan tâm của học sinh và giáo viên trên cả nước. Xoay quanh vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng Báo Lao Động.

Hiện đã có gần 100 trường đại học công bố sử dụng phương án xét học bạ THPT trong tuyển sinh đầu vào năm 2024, ông có đánh giá gì về phương thức này?

Xét tuyển đại học dựa vào kết quả học bạ THPT thực tế không chỉ có ở các trường Việt Nam, trên thế giới đã có nhiều trường đại học áp dụng phương thức này. Tuy nhiên, chúng ta cần so sánh điều kiện thực tế tại Việt Nam với các nước khác.

Hiện nay, tình trạng xin điểm, thậm chí đáng buồn hơn là mua điểm vẫn xuất hiện. Bên cạnh đó, việc đánh giá, cho điểm của các trường THPT có sự khác nhau dẫn đến chênh lệch về điểm học bạ trên cả nước. Do đó, chúng ta không thể tin cậy hoàn toàn vào kết quả học bạ để đưa vào xét tuyển trong kỳ tuyển sinh mang tính chất chọn lọc nghiêm ngặt.

Xét tuyển đại học đòi hỏi sự công bằng. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ chênh nhau 0,25 điểm đã ảnh hưởng đến việc đỗ và trượt, nhưng với xét học bạ THPT, thí sinh có thể chênh nhau từ 3-5 điểm là chuyện bình thường. Vậy thì làm sao đảm bảo sự công bằng?

Theo ông, có nên loại bỏ phương thức xét tuyển đại học bằng điểm học bạ THPT?

Tôi không phủ nhận hoàn toàn việc xét học bạ THPT trong tuyển sinh đầu vào, nhưng tiêu chí xét tuyển dựa vào học bạ nên là tiêu chí phụ chứ không phải chính.

Việc các trường xét tuyển học bạ THPT cơ bản vẫn phù hợp với một số nhóm trường nhất định, như các trường đại học top giữa hoặc top dưới.

Trong điều kiện hiện nay, tiêu chí chính để xét tuyển đại học vẫn nên dựa vào kỳ thi mang tính quốc gia, được tổ chức rất chặt chẽ, nghiêm túc - đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điểm học bạ có thể làm một tiêu chí phụ để tiếp tục chọn lọc, cùng với những tiêu chí phụ khác.

Vậy làm thế nào để phương thức xét học bạ THPT đảm bảo độ tin cậy trong xét tuyển đầu vào đại học, thưa ông?

Xu hướng chung của thế giới không loại trừ phương thức xét học bạ để tuyển sinh đại học, nhưng nhìn từ kinh nghiệm thế giới cần đảm bảo chuẩn chỉnh 2 tiêu chí sau:

Thứ nhất, chúng ta cần hình thành được văn hoá chất lượng, văn hoá trung thực trong trường học, không có hành vi gian dối tiêu cực trong quá trình đánh giá cho điểm học sinh và nếu có gian dối sẽ bị xử lý nghiêm.

Thứ hai, các trường THPT cần phải có hệ thống kiểm định chất lượng chuẩn chỉnh, chính xác trong khâu đánh giá chấm điểm nhằm phản ánh đúng năng lực của học sinh. Mức độ chặt chẽ, nghiêm ngặt trong chất lượng đánh giá chấm điểm của các trường THPT trên cả nước phải đồng đều nhau.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh đầu vào. Nhưng tôi cho rằng Bộ GDĐT nên có định hướng trong việc xét điểm học bạ làm tiêu chí chính để tuyển sinh đại học, vì thực tế chúng ta vẫn chưa đủ điều kiện triển khai, nên có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề tiêu cực, không công bằng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn