MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Hải)

Xét tuyển đại học giữa cơn bão gian lận điểm thi: Thí sinh kém sẽ tự đào thải

Nguyễn Hà LDO | 25/07/2018 19:00

Các trường đại học khẳng định dù có vào được trường nhưng nếu học lực kém thí sinh sẽ tự đào thải mình, hoặc rơi vào tình trạng vào được nhưng không thể tốt nghiệp ở các trường đào tạo y dược. 

Gian lận điểm thi bị phanh phui ở các điểm thi Hà Giang, Sơn La… khiến nhiều người lo ngại về chất lượng đầu vào đại học của các thí sinh khi hiện nay các bài thi trắc nghiệm ở Sơn La vẫn chưa được chấm thẩm định, kết quả công bố tạm thời vẫn được dùng để công nhận tốt nghiệp, đại học.

PGS Nguyễn Văn Trào – Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội cho biết: “Ở Sơn La hiện vẫn cho các em thí sinh dùng điểm thi đã được công bố làm điểm xét tuyển tốt nghiệp và đăng kí vào các trường đại học, tôi có cảm giác khiến các trường hơi băn khoăn, không biết điểm giả điểm thực và năng lực của các em ra sao”.

Thế nhưng, vị hiệu trưởng này cho rằng đối với đào tạo đại học, hầu như trường nào cũng làm theo cách đào tạo hình chóp, em nào thực lực yếu sẽ tự đào thải mình. “Ở trường tôi, nếu sau năm nhất, năm hai, các em yếu không theo được thì sẽ phải đăng kí học lại, có em học lại cả năm hoặc buộc thôi học. Những em không có thực lực sẽ phải ra khỏi trường theo kiểu đào thải rất tự nhiên” – ông Trào nói.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Hoàng Tú Anh – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM cho biết, bà cũng có phần lo lắng về chất lượng đầu vào nhưng nhà trường không chỉ có một phương pháp tuyển sinh mà có đến 4 phương án: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển của Bộ GDĐT, ưu tiên xét tuyển đại học quốc gia và kì thi đánh giá năng lực đồng thời dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia.

“Trường chúng tôi theo dõi các đối tượng học sinh khác nhau khi vào trường, xem kết quả học tập của các em ra sao để đánh giá và đưa ra quyết định cho những năm sau. Tôi cho rằng, khi xây dựng những quy trình chấm thi trắc nghiệm, chúng ta đã chưa đánh giá hết những lỗ hổng khiến đối tượng xấu lợi dụng nó” – bà Tú Anh chia sẻ.

Còn đối với trường đào tạo y khoa, lãnh đạo nhà trường chia sẻ, nếu em nào không đủ thực lực sẽ rơi vào trạng thái vào được nhưng không thể ra khỏi được trường y.

TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Đại học Y Hà Nội cho biết, đặc thù của khối ngành khoa học sức khỏe nói chung, trong đó có ngành về bác sĩ, y khoa khoa, đòi hỏi những phẩm chất cá nhân, kĩ năng, cam kết thì mới có thể theo đuổi được nghề nghiệp.

“Quá trình đào tạo của trường y chúng tôi sàng lọc liên tục, kể cả những em có thành tích tốt nhưng không phù hợp với tính chất đào tạo ngành nghề thì sau 1 - 2 năm cũng phải ngừng học. Tôi tin, những em không có thực lực thì không thể ra khỏi được trường y. Dù dựa vào kết quả của kì thi để đăng kí vào các trường nhưng trong quá trình đào tạo, hệ thống lượng giá, đánh giá của nhà trường vẫn hoạt động hiệu quả” – ông Tùng cho biết.

Ông Tùng cũng cho biết, quan điểm của Bộ GDĐT đang rất mở, các trường đại học hoàn toàn có thể xây dựng các đề án tuyển sinh riêng của mình. Việc lựa chọn kết quả thi THPT Quốc gia chỉ là một trong số các lựa chọn và nhiều trường cũng đã làm điều này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn