MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tục xin-cho chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa được lưu giữ.

Xin chữ đầu năm: Nét văn hóa đẹp

Bích Hà LDO | 26/01/2020 07:30
Xin chữ, cho chữ là một phong tục truyền thống đã có từ lâu mỗi dịp Tết đến xuân về của người Việt Nam. Đây là một nét văn hóa đẹp, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc.

“Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua” – những câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên đã ở trong lòng bao thế hệ người Việt Nam, về một hình ảnh tuyệt đẹp – chính là hình ảnh thầy Đồ chờ cho chữ ngày Tết đến.

Cũng không ai biết phong tục này bắt đầu từ đâu. Nhưng, từ xa xưa, chữ đã được người Việt coi trọng. Những người biết chữ, không chỉ có cơ hội đỗ đạt làm quan, vẻ vang họ tộc, quê hương mà còn là những hình mẫu của lối sống có đạo đức, có nghĩa, có tình, có tôn ti trật tự, là tấm gương cho mọi người. Chính vì thế, mà chữ được gọi là “chữ thánh hiền”, người biết chữ được gọi là người “có học”.

Những người viết chữ đẹp, không chỉ thể hiện sự rèn giũa luyện tập mà còn thể hiện hoa tay khéo léo. Về sau, viết chữ còn được nâng tầm lên thành Thư pháp, nhiều người coi chữ viết đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại tấp nập người đến xin chữ.

Ngày xuân, đối với người Việt, là ngày khởi đầu của năm mới, cũng là khởi đầu của mọi sự mới. Chính vì thế, người ta mong muốn bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn. Tục xin chữ - cho chữ, có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng con chữ đẹp, nên ngày xuân xin về, như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang.

Về sau, phong tục tốt đẹp này càng phổ biến. Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà.

Ngày xưa, để xin chữ thầy Đồ, người xin phải sắm một lễ mọn, thành tâm đến nhà. Người cho chữ cũng luôn phải trang nghiêm, tôn kính đạo học, không cho phường “thích làm sang”, chỉ cho người trọng chữ. Việc xin-cho cẩn trọng đến độ nó như thành một nghi thức không thành văn.

Có một giai đoạn dài, phong tục xin-cho chữ ngày xuân cũng mai một, chỉ còn được lưu giữ ở một vài gia đình truyền thống. Nhiều người trọng chữ, hiếu học đã phải xót xa thốt lên “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ” (Thơ Vũ Đình Liên).

Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây, cùng với việc phát triển của nghệ thuật Thư pháp, phong trào xin chữ trở lại, đặc biệt ở một vài thành phố như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.

Mỗi độ tết đến xuân về, khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám lại xuất hiện những ông đồ già-trẻ. Mỗi người một xếp giấy, vài chiếc bút lông và nghiên mài mực, ngồi khoanh chân trên chiếc chiếu hoa vuông vức xinh xắn để sẵn sàng cho những người xin chữ.

Ông đồ già thì viết chữ Hán, ông đồ trẻ viết thư pháp Việt, họ đã sum tụ lại trên mảnh đất tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt Nam, cùng nhau khôi phục và gìn giữ một nét đẹp trong văn hoá người Việt – xin chữ đầu xuân. Và thế là khoảng chục năm nay, người Hà Nội đã quen với hình bóng các ông đồ.

Tất nhiên, ngày nay, việc xin chữ cũng không còn nặng nghi lễ như thuở xưa. Tuy nhiên, hình ảnh người viết câu đối, người viết lời chúc, người viết chữ…đủ các kiểu hành, chân, triện, lệ…đủ các chất liệu giấy, gỗ, trúc, tre…; người xếp hàng, ngồi ghế chờ đến lượt, trân trọng cầm tờ giấy còn ướt mực, ngắm nét chữ “phượng múa rồng bay” cũng đủ là một hình ảnh đẹp đẽ, rỡ ràng ngày xuân năm mới.

Ngày đầu xuân năm mới này, bạn hãy cùng một người bạn thân, hay gia đình, trên dọc đường du xuân của mình, ghé qua phố ông Đồ, xin đôi câu đối hay một chữ NHẪN, PHÚC, LỘC, HƯNG, AN… đẹp đẽ mang về để treo trang trọng nơi phòng khách!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn