MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo chia sẻ về lý do đứng im cho học sinh ném dép. Ảnh: Lâm Thanh

Xót xa lý do cô giáo đứng im cho học sinh ném dép

Hà Quyên (ghi) LDO | 10/12/2023 09:27

Chuyên gia Hồ Lâm Giang - Trưởng ban Cố vấn giáo dục Happy Teen chia sẻ với Báo Lao Động liên quan sự việc học sinh ném dép vào cô giáo vừa xảy ra tại trường THCS Văn Phú, ở Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Từ trước tới nay, nghĩ đến bạo hành, thường nạn nhân là những người yếu thế, vì họ không đủ sức khỏe, không có quyền, ở kèo dưới, hoặc bị phụ thuộc… Ví dụ ở gia đình là bố mẹ bạo hành con. Hay trong trường học, học sinh bị bạo hành bởi người lớn, chứ ít khi có trường hợp học sinh lại bạo hành ngược lại thầy cô.

Ngoài việc đây là tiếng chuông cảnh báo về đạo đức xã hội xuống cấp, thì vấn đề này cũng cần được cân nhắc một cách thấu đáo hơn từ góc độ người bạo hành và nạn nhân bị bạo hành.

Tôi có một giả thuyết, qua việc xem clip. Có thể thấy, khi dồn cô giáo vào góc tường và đặt máy quay lên. Cô giáo hiểu là người đang nhìn vào cô, không phải là những đứa trẻ mất kiểm soát kia, mà chính là phụ huynh và xã hội. Cô ấy không chống đối, mà chỉ im lặng. Vì đứng trước những vụ việc giáo viên bị quay lên mạng, nhận gạch đá vì hành vi, lời nói… như gần đây, cô ấy biết rằng, người ta sẽ nói gì về mình nếu chống lại hoặc gây hấn với học sinh. Có thể cảm nhận sự nhẫn nhịn, chịu đựng của cô giáo ở video gần 2 phút khi cô hoàn toàn yếu thế, thậm chí ngất đi.

Chuyên gia Hồ Lâm Giang - Trưởng ban Cố vấn giáo dục Happy Teen. Ảnh: NVCC

Với học sinh, trong độ tuổi cấp 2, lứa tuổi các em đang bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, với sự thay đổi mãnh liệt và không đồng đều về thể chất, sự bất ổn về tâm lý. Các em ở tuổi này có nhận thức còn phiến diện, nhất là khi các em đó lại có thái độ sống lệch lạc, rất dễ có những hành vi bốc đồng, thiếu suy nghĩ…

Trong trường hợp này, rõ ràng có tâm lý là khi biết có camera quay lại, nhóm học sinh mang thái độ ghét bỏ với cô giáo, cùng sự hiểu biết về cái quyền của mạng xã hội ra để trả thù, bắt nạt cô giáo, vốn vẫn đợi cô phản ứng, bị kỷ luật, bị đuổi. Nếu đánh học sinh, cô sẽ bị mời lên công an. Vì xã hội bảo vệ quyền trẻ em, cô giáo không được đánh học sinh, chửi học sinh, và có những hành vi thiếu chuẩn mực.

Bởi nhận thức phiến diện, nên những học sinh này biết thứ chuẩn mực của cô, mà quên đi thứ chuẩn mực của trò. Có lẽ vì người lớn không dạy, mạng xã hội chưa có trường hợp nào diễn ra, để mà dạy dỗ những học sinh này.

Những người lớn trong gia đình những em trực tiếp gây hấn, có thể chưa dạy hoặc dạy chưa đầy đủ cách ứng xử với thầy cô và kể cả nhà trường, cũng chưa có sự giáo dục ấy. Trong khi đó, những thông tin trên mạng gần đây nhan nhản việc tố cáo thầy cô, chê trách, lên án và đòi hỏi sự chuẩn mực của thầy cô giáo.

Có lẽ dư luận dậy sóng, vì chưa bao giờ, vấn đề đạo đức trong trường học lại trở nên đáng lo ngại như vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn