MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2024 của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Vân Trang

Xu hướng đẩy mạnh các kỳ thi riêng

Tuyết Anh LDO | 15/01/2024 09:29

Trong nhiều năm trở lại đây, thay vì lệ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường có xu hướng sử dụng kết quả của một số kỳ thi về đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, có độ tin cậy cao để tuyển sinh.

Thời điểm này, em Nguyễn Quốc Hưng - học sinh lớp 12 tại Hà Nội - dành phần lớn thời gian của mình để luyện đề thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức và tham dự đợt thi cuối tháng 3.

“Em đăng ký thi sớm để nếu kết quả đợt thi đầu tiên không được như kỳ vọng, em sẽ tiếp tục đăng ký thi thêm một đợt nữa vào đầu tháng 4.

Trước em dự định thi thêm kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội để có thêm nhiều phương án xét tuyển đại học. Nhưng sau đó, em gặp một chút khó khăn trong việc bố trí thời gian học các môn, nên chỉ đăng ký tham dự thi đánh giá năng lực” - Quốc Hưng cho hay.

Đỗ Thị Chung - học sinh lớp 12, Trường THPT Diễn Châu 5 (Nghệ An) - tìm đến kỳ thi đánh giá năng lực với mong muốn giảm bớt áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong quá trình ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Chung và đa số bạn học gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu ôn thi.

TS Đặng Ngọc Khương - giáo viên Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, một trong những vướng mắc học sinh đang gặp phải trong quá trình khi ôn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là chưa hình dung rõ cấu trúc đề và chưa tiếp cận đầy đủ hệ thống thông tin về các kỳ thi.

“Hiện còn rất nhiều học sinh chưa tiếp cận được đầy đủ, hệ thống thông tin về kỳ thi riêng và chưa hình dung rõ cấu trúc đề, phạm vi kiến thức, đặc biệt là khóa đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đồng thời, nhiều bạn cũng chưa hiểu rõ điểm tương đồng, khác biệt giữa kỳ thi tốt nghiệp và các kỳ thi riêng” - thầy Khương cho biết.

Cũng theo thầy Khương, để tăng mức độ phủ sóng và hiệu quả cho các kỳ thi riêng, đơn vị tổ chức cần chuẩn hóa đề thi để đảm bảo tính thiết thực và cung cấp đầy đủ thông tin đến thí sinh. “Tăng hiệu quả công tác tuyển sinh sẽ giúp đánh giá đúng năng lực của thí sinh và đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường. Cùng với đó, đơn vị tổ chức cần cung cấp đầy đủ, chi tiết thông tin về kỳ thi, không chỉ thông qua phương tiện truyền thông như báo, đài mà còn phải đến trực tiếp các trường THPT trên cả nước.

Cuối cùng là tối ưu hóa, đơn giản hóa cách thức đăng ký thi tuyển, để thí sinh dễ dàng tiếp cận và đăng ký nếu như có nguyện vọng” - thầy Khương nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn