MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ giữ ổn định như năm 2023 để tạo thuận lợi cho thí sinh. Ảnh: Hải Nguyễn

Xu hướng tuyển sinh năm 2024 - không xét học bạ, tăng cường các kỳ thi riêng

Tường Vân LDO | 02/01/2024 07:26

Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học Top đầu tuyên bố bỏ phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ, tăng cường các kỳ thi riêng để tuyển sinh đầu vào.

Không xét học bạ

Nhiều năm qua, các trường đại học duy trì phương thức tuyển sinh bằng học bạ THPT. Tuy nhiên, phương án tuyển sinh này lại gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xét tuyển bằng học bạ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chạy điểm, làm đẹp học bạ, tiêu cực trong đào tạo.
Năm 2024, theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ không còn phương thức tuyển sinh bằng học bạ. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.

Đây không phải là trường duy nhất nói không với phương án tuyển sinh bằng học bạ. Một số trường top đầu như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội... cũng không xét tuyển đầu vào bằng phương án này.

Em Nguyễn Đức Tuấn Phương - học sinh lớp 12 tại Hà Nội - bày tỏ sự băn khoăn và lo ngại việc các trường đại học top trên bỏ phương án xét tuyển bằng học bạ sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển. Thời điểm này, Tuấn Phương đang tập trung toàn bộ thời gian ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

"Một số trường top đầu xét tuyển bằng học bạ nhưng kèm theo rất nhiều điều kiện, tiêu chí. Em dự định sẽ xét tuyển vào Trường Đại học Thương mại bằng học bạ và bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT" - Phương nói.

Dưới góc nhìn của phụ huynh, chị Lê Minh Hằng (Thanh Hoá) lại ủng hộ xu hướng không xét tuyển bằng điểm học bạ.

Chị Hằng cho rằng, điều này sẽ phần nào làm giảm tiêu cực, tình trạng "làm đẹp học bạ" mà lâu nay dư luận vẫn lên tiếng. Con trai chị Hằng năm nay sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thời điểm này, ngoài việc học tập theo các môn thi để xét tuyển đại học, chị Hằng còn đầu tư cho con học tăng cường ngoại ngữ.

"Có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ là một lợi thế để con trúng tuyển vào các trường top đầu. Chưa kể, trong thời buổi hội nhập như hiện nay, có ngoại ngữ cũng sẽ dễ tìm kiếm công việc thu nhập cao" - chị Hằng nói.

Tăng cường các kỳ thi riêng

Ở mùa tuyển sinh năm 2023, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, đã có 9 đơn vị tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học. Sang năm 2024, nhiều trường đại học có xu hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng các kỳ thi riêng này.

Trường Đại học Sư phạm TPHCM dự kiến, tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong năm 2024 từ 20% lên 40%.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - thông tin, tính đến mùa tuyển sinh 2023, đã có gần 40 cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học. "Chúng tôi dự báo với Chương trình giáo dục THPT mới và quy định về thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, sẽ có thêm nhiều trường đại học xét tuyển theo điểm thi này" - ông Điền nói.

Còn tại Đại học Quốc gia Hà Nội, theo GS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023 có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội trong phương thức xét tuyển.

Ông Thảo cũng thông tin, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024 dự kiến có 75.999 lượt thí sinh dự thi, chia thành 6 đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6.2024, tổ chức vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

Về phía Bộ GDĐT, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020- 2023 về hình thức tổ chức, mô hình; tuy nhiên, sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn