MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi trên máy tính, thi đánh giá năng lực là xu hướng mới được nhiều trường đại học lựa chọn. Ảnh: Hải Nguyễn

Xu hướng tuyển sinh sau năm 2020: Sẽ có nhiều thay đổi

HUYÊN NGUYỄN LDO | 03/01/2020 18:07

Xu hướng tuyển sinh ngày càng phong phú, đặc biệt, nhiều trường tổ chức hình thức thi tuyển riêng mở ra bức tranh đa dạng về xét tuyển đại học. Chính vì thế, giáo viên, học sinh cũng cần phải nghiên cứu những hướng đi mới để điều chỉnh cách học cho hợp lý.

Tổ chức thi kỳ thi riêng

Tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực riêng đang là xu hướng được nhiều trường đại học lựa chọn. Trong đó, Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức đang dần chiếm ưu thế với số lượng lớn các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển.

Năm 2020, ngoài TP.Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh còn tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực ở khu vực Đồng bằng Sông cửu Long có các tỉnh Bến Tre, An Giang; Khu vực Miền Trung có điểm thi tại Nha Trang, Đà Nẵng. Kỳ thi cũng được tổ chức 2 lần/năm để thí sinh có nhiều điều kiện, cơ hội tham gia.

Một trường lâu nay cũng vẫn có hình thức tuyển sinh riêng là Trường Đại học FPT. Thí sinh trúng tuyển phải tham dự và trúng tuyển kỳ thi sơ tuyển của Trường Đại học FPT hoặc đủ điều kiện miễn thi sơ tuyển.

Thí sinh phải đạt một trong hai điều kiện hoặc tổng điểm 3 môn, mỗi môn tính trung bình hai học kỳ cuối trung học phổ thông đạt 18 điểm trở lên xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học hoặc tổng điểm 3 môn tương ứng trong kỳ thi THPT đạt 15 điểm trở lên.

Ngoài ra, nhiều trường cũng tự tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng. Năm 2020, Trường Công nghệ TP.Hồ Chí Minh (HUTECH) dự kiến tuyển sinh 5.950 chỉ tiêu với 47 ngành theo 4 phương thức xét tuyển độc lập. Trong đó có phương thức tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực. Các trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc tế Hồng Bàng... cũng vẫn duy trì kỳ thi này.

Ngoài ra, năm 2020, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.Hồ Chí Minh (UEF) xét tuyển thêm phương thức thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông theo tổng điểm trung bình 5 học kỳ. Đây là phương thức mới trong năm 2020. Thí sinh có tổng điểm trung bình 5 học kỳ (học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 10, học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 30 điểm trở lên.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực sẽ là hướng đi chính của nhà trường trong tương lai.

Hướng tới thi trên máy tính

Xu hướng xét tuyển đại học năm 2020 cho thấy điểm thi trung học phổ thông quốc gia không còn được “chuộng”. Thậm chí, có trường đại học chỉ dành 40% chỉ tiêu cho điểm thi quốc gia. Chính vì thế, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sắp tới cũng cần có điều chỉnh.

Theo dự kiến lộ trình đổi mới thi trung học phổ thông quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau năm 2020 sẽ có nhiều điều chỉnh trong đó có thay đổi cấu trúc bài thi tổ hợp.

Nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Phương thức tổ chức thi sẽ là thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.

Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).

Để đáp ứng nhanh với xu hướng thay đổi phương pháp đánh giá thi cử, ứng dụng công nghệ thông tin, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10, TP.Hồ Chí Minh) trong năm 2019 cũng đã áp dụng hình thức thi trên máy tính môn Toán thay vì làm bài thi trên giấy như trước. Thi xong, học sinh sẽ biết điểm ngay.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết nhà trường sẽ áp dụng nhiều hình thức như thi trên máy tính, làm bài trên điện thoại thông minh để có thêm nhiều phương pháp đánh giá học sinh.

"Em nào cũng có smartphone. Nếu mình không biến điện thoại thông minh thành phương tiện học tập thì học sinh dùng điện thoại để chơi game, làm việc riêng. Nhưng bây giờ cho phép các em sử dụng điện thoại thông minh công khai, các em sẽ dùng ngay tại lớp để phục vụ mục đích học tập", ông Phú nói. 

Chia sẻ về dạy và ôn tập cho học sinh nếu mỗi trường có một hình thức thi riêng, giáo viên Trần Mạnh Tùng – Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay: Hiện nay số lượng các trường tổ chức kỳ thi riêng chưa nhiều nên học sinh tự phải ôn luyện theo hình thức của trường. Các giáo viên không hỗ trợ riêng nhiều cho học sinh được.

Tuy nhiên, nếu các trường triển khai hình thức thi riêng sâu rộng hơn sẽ cần phải có những biện pháp thiết thực để hỗ trợ học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn