MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời gian qua, vấn đề "nhập nhèm" SGK và sách tham khảo lại khiến phụ huynh bức xúc, bất bình. Ảnh: ĐAN

Xử lý hiệu trưởng nếu ép học sinh mua sách bổ trợ, sách tham khảo

Duy Thiên LDO | 04/10/2020 06:45
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) khẳng định, sách giáo khoa (SGK) là tài liệu dạy học chính thức ở trong nhà trường; ngoài ra, không có thêm quy định về tài liệu nào khác. Người đứng đầu nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra việc “ép” học sinh mua sách tham khảo.

Thời gian qua, Báo Lao Động có nhiều bài viết phản ánh việc phụ huynh khi đăng ký mua sách ở trường, họ không được giải thích rõ đâu là SGK (bắt buộc phải mua), đâu là sách tham khảo (không bắt buộc). Phụ huynh phải mua những “combo” sách được đóng sẵn, lên tới trên 20 cuốn, trong đó có rất nhiều cuốn không phải SGK.

Việc “nhập nhèm” giữa SGK và sách tham khảo kiểu này khiến phụ huynh phải bỏ ra số tiền lớn để mua sắm sách vở, đồ dùng cho con mỗi dịp năm học mới.

Liên quan đến câu chuyện này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, theo các quy định, SGK là tài liệu chính thức dạy học trong nhà trường. Ngoài ra không có quy định nào khác.

Còn sách tham khảo được xuất bản theo Luật Xuất bản, phát hành ngoài thị trường. Để sách tham khảo đưa vào trong thư viện của các nhà trường thì Bộ GDĐT đã có Thông tư 21/2014 quy định.

Khi đưa sách tham khảo vào hiệu trưởng phải tổ chức cho tổ chuyên môn lựa chọn. Giáo viên có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất.

Giáo viên không được đưa vào bài dạy các nội dung vượt quá yêu cầu chương trình. Giáo viên cũng không được ép, không được khuyến khích học sinh mua sách tham khảo dưới bất cứ hình thức nào.

Nhà trường, thầy cô nào thực hiện sai quy định thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về hiệu trưởng.

Hiện có một số đơn vị xuất bản, phát hành - đơn cử như Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Nội - “lách” các quy định bằng cách không gọi là sách tham khảo mà gọi bằng cụm từ “sách bổ trợ” và phát hành vào trong trường học. Điều này có đúng quy định?

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, hiện nay không có khái niệm nào quy định sách bổ trợ.

Ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GDĐT cho biết, Bộ sẽ sửa Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT để "siết" việc "nhập nhèm" giữa SGK và sách tham khảo.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GDĐT cho biết, thị trường sách tham khảo hiện nay rất phong phú, số lượng sách tham khảo chiếm đa số thị phần tại các cửa hàng sách. Song hầu hết các sách tham khảo này được xuất bản theo quy định của NXB, nhưng không được Bộ GDĐT thẩm định về mặt nội dung. Bộ chỉ chịu trách nhiệm hướng dẫn, quản lý các trường sử dụng sách tham khảo trong nhà trường.

Hiện Bộ GDĐT đã có văn bản về việc tăng cường quản lý việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ GDĐT yêu cầu thực hiện đúng quy định, tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.

Để tăng cường quản lý, sử dụng sách tham khảo, Bộ GDĐT sẽ chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT theo hướng quy định cụ thể hơn về yêu cầu, thẩm định, lựa chọn, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng sách tham khảo đưa vào đề kiểm tra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng SGK, sách tham khảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn