MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xuất hiện nhiều chiêu lừa đảo mới nhắm tới học sinh, phụ huynh ở Hà Nội, TPHCM

Vân Trang LDO | 13/04/2023 19:59

Thời gian qua, tại Hà Nội và một số địa phương lại xuất hiện phương thức lừa đảo tinh vi nhắm vào đối tượng học sinh và phụ huynh.

Chiêu lừa mới: Gửi link "kiểm tra tiếng Anh" cho phụ huynh

Vừa qua, một số phụ huynh Trường THCS Lê Quý Đôn (TPHCM) nhận được tin nhắn với nội dung: “Kính gửi phụ huynh thông tin kiểm tra tiếng Anh, giúp định hướng tốt hơn cho sự phát triển các kỹ năng tiếng Anh của con”. Kèm theo tin nhắn là một đường link.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Ban giám hiệu nhà trường đã gửi cảnh báo tới phụ huynh, yêu cầu không ấn (click) vào đường dẫn (đường link) lạ có nội dung kiểm tra tiếng Anh. Nhà trường đề nghị các phụ huynh cảnh giác, không bấm vào link của tin nhắn.

Tin nhắn kèm đường link lạ được gửi đến phụ huynh. Ảnh: Chụp màn hình

Chiêu lừa đảo "học sinh nợ tiền hàng"

Trước đó, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện “chiêu” lừa đảo mới: Gọi điện thông báo cho phụ huynh việc con em mình “nợ tiền hàng”. Vì nợ tiền mua hàng, học sinh phải để lại thẻ, do đó, đối tượng yêu cầu phụ huynh gửi tiền vào số tiền khoản mà đối tượng cung cấp để thanh toán nợ cho con em mình.

Tuy nhiên, khi phụ huynh này gọi lại vào số điện thoại nhắn tin thì không liên lạc được. Ngay sau đó, phụ huynh đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để xác minh nên không sập bẫy của kẻ lừa đảo.

Phụ huynh, học sinh cần cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo tinh vi. Ảnh: Vân Trang

Chiêu lừa "phụ huynh của lớp"

Theo thông tin trường THCS Phan Chu Trinh (Ba Đình, Hà Nội) gửi cảnh báo phụ huynh, chiều 10.4, một học sinh lớp 6 của trường bị kẻ gian lừa lấy xe đạp điện bằng thủ đoạn tinh vi.

Cụ thể, đối tượng tự nhận là phụ huynh của một học sinh trong lớp và nhờ học sinh có xe đạp điện chở ra một khu vực trong ngõ. Sau đó, đối tượng giữ học sinh này lại và giả làm hành động mở điện thoại gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm để trao đổi.

Tiếp đến, đối tượng bảo mượn xe đạp điện của học sinh này để đi lấy đồ. Em học sinh đã tin tưởng và đồng ý cho đối tượng mượn xe. Sau khi chờ mãi không thấy người mượn xe quay lại, em học sinh này mới báo cho giáo viên chủ nhiệm và phát hiện mình đã bị lừa vì trên thực tế không ai gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GDĐT quận Ba Đình - cho biết, trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt dưới cờ, các trường đã và sẽ tăng cường tuyên truyền giáo dục kiến thức, kỹ năng ứng phó với các tình huống cho học sinh.

Trong đó, các trường khuyến cáo các em không trò chuyện, nhận đồ hay cung cấp thông tin cho người lạ; hướng dẫn cho học sinh, khi có bất kỳ thông tin, tình huống nào xảy ra, cần báo với giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường và cha mẹ.

Cảnh báo lừa đảo "Con đang cấp cứu" 

Thủ đoạn của các đối tượng là tự xưng nhân viên y tế, giáo viên, cán bộ cơ quan để gọi điện cho bố mẹ hoặc người thân của học sinh thông báo học sinh bị tai nạn, cần chuyển tiền gấp để cấp cứu.

Sau đó, đối tượng tiếp tục gọi điện cho người thân học sinh báo tin bác sĩ tại bệnh viện vừa thông báo tình trạng nguy kịch của học sinh, hối thúc người thân chuyển tiền. Tiếp theo, đối tượng đóng giả nhân viên y tế trực tiếp trao đổi với thân nhân học sinh về tình trạng sức khỏe của con em họ, gây tâm lý hoang mang, lo lắng để họ nhanh chóng chuyển tiền.

Nhiều người còn lạ lẫm với chiêu trò này và mất bình tĩnh khi nghe tin con mình gặp nạn nên đã chuyển tiền để cho con được phẫu thuật gấp. Tuy nhiên, đây chỉ là kịch bản mà các đối tượng lừa đảo dựng lên để đánh lừa các bậc phụ huynh nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.

Trước thủ đoạn nêu trên, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần bình tĩnh xác minh thông tin nếu nhận được cuộc gọi thông báo từ bệnh viện, nhà trường về việc người thân, học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện. Khi phát hiện dấu hiệu khả nghi, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để thông báo và nhờ hỗ trợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn