MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xúi trẻ em trộm cắp: Dễ gây tổn thương nặng nề tâm lý của trẻ

HỮU HUY LDO | 28/10/2020 18:28

Chuyên gia tâm lý - giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng cần phải có biện pháp chế tài xét về mặt trách nhiệm của bố mẹ, người nuôi dưỡng ép buộc trẻ em làm việc sai trái như trộm cắp...

Chỉ trong 1 tháng qua, tại TPHCM đã có ít nhất 3 trường hợp người lớn xúi trẻ em trộm cắp tài sản của người dân bị camera an ninh phát hiện. Thực trạng này khiến dư luận không khỏi lo lắng trước việc kẻ gian “mượn tay” trẻ em để phạm tội, khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng nặng nề và tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách.

Liên quan đến câu chuyện này, Chuyên gia tâm lý - giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những chia sẻ đến Báo Lao động.

Chuyên gia tâm lý - giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC

Xin ông hãy cho biết, việc bị người lớn xúi thực hiện hành vi trộm cắp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của trẻ?

PGS.TS Trần Thành Nam: Phải xem xét người xúi trẻ thực hiện việc trộm cắp có tầm quan trọng như thế nào đối với đứa trẻ đó. Nếu đó là bố mẹ, người thân trong gia đình, những người có thời gian gắn bó nhiều với trẻ thì sẽ làm thay đổi chuẩn mực giá trị sống, thế giới quan, nhân sinh quan của trẻ.

Quá trình này dẫn đến việc hình thành thế giới quan (quan niệm về thế giới) của trẻ theo hướng tiêu cực. Trẻ sẽ suy nghĩ ở thế giới này toàn những người làm việc xấu. Và rằng việc làm xấu sẽ không có lỗi và vì quyền lợi của mình mà có thể gây tổn hại quyền lợi của người khác.

Dần dần trẻ sẽ thay đổi nhân sinh quan, tức trẻ sẽ suy nghĩ những người xung quanh mình chỉ tìm cách lợi dụng mình, khi sơ hở sẽ bị người khác lợi dụng. Điều này tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho trẻ.

Dưới sự xúi giục của nam thanh niên đi cùng, bé trai đã trộm điện thoại của người bán dừa vào ngày 21.10 tại TPHCM. Ảnh: Trích xuất từ camera an ninh

Trong trường hợp đứa trẻ ý thức được người thân đang giao mình làm việc xấu thì như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Nếu đến một thời điểm nào đó đứa trẻ tự nhận thức được những giá trị tốt và tích cực. Nhưng những người thân thiết có tầm quan trọng với chính bản thân lại yêu cầu mình phải làm ngược lại những giá trị đó, đương nhiên đứa trẻ sẽ bị áp lực về mặt nội tâm.

Mâu thuẫn về mặt nội tâm sẽ ảnh hưởng về mặt sức khỏe tâm thần. Nếu mâu thuẫn về mặt nội tâm cực kỳ mãnh liệt có thể dẫn đến việc trẻ tự thấy bản thân tội lỗi. Mâu thuẫn nội tâm đến mức trẻ cảm nhận như là mình là người xấu, không chấp nhận được. Trẻ không biết giải quyết như thế nào giữa một bên là bố mẹ, người thân một bên là những giá trị lẽ phải. Đến lúc đó, trẻ phải tìm cách giải thoát, thậm chí có thể tìm đến cái chết.

Người phụ nữ ra “tín hiệu” cho bé gái đi cùng trộm cắp túi xách ở đường Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận, TPHCM, sự việc xảy ra ngày 12.10.2020. Ảnh: Trích xuất từ camera an ninh

Ông có đánh giá gì về việc người lớn đang “mượn tay” trẻ em để thực hiện hành vi phạm tội?

PGS.TS Trần Thành Nam: Phải có luật xét về mặt trách nhiệm của bố mẹ, người nuôi dưỡng. Tất cả những hành vi được gọi là bạo hành gồm việc làm cho đứa trẻ cảm thấy đau đớn, xấu hổ, nhục nhã hay làm cho đứa trẻ cảm thấy bản thân vô giá trị, cảm thấy tội lỗi thì đều phải được định nghĩa là bạo hành.

Những hành động bố mẹ ép buộc con làm những gì trái với những chuẩn mực đạo đức chung của xã hội thì cũng phải được xem là một dạng bạo hành. Và dạng bạo hành này cũng phải bị lên án và cũng phải bị xử lý như một cách thức để bảo vệ quyền trẻ em.

Xin cảm ơn chia sẻ của PGS.TS Trần Thành Nam !

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn