MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội dự kiến đề xuất cho toàn bộ học sinh từ lớp 7 - 12 trở lại trường sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Hải Nguyễn

Ý kiến trái chiều về đề xuất cho học sinh Hà Nội đến trường sau Tết

Tường Vân LDO | 18/01/2022 14:07

Thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội dự kiến đề xuất cho toàn bộ học sinh khối 7 - 12 trở lại trường sau Tết Nguyên đán nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là phụ huynh có con trong độ tuổi này.

Nhiều quan điểm trái chiều

Về phía các nhà trường, đa số đều đồng tình và ủng hộ phương án cho học sinh đến trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán vì học sinh từ khối 7 đã được tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản.

Tuy nhiên, về phía các bậc phụ huynh, xuất hiện nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều về việc nên hay không nên mở cửa trường học ở thời điểm này, khi dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận.

Học sinh lớp 1 tại Hà Nội giãn cách đến trường kiểm tra trực tiếp. Ảnh: Tường Vân

Từng là người rất ủng hộ việc cho con trở lại trường học trực tiếp, nhưng đến hiện tại, chị Nguyễn Trà My (Đống Đa, Hà Nội) lại đắn đo, lưỡng lự dù con trai học lớp 7 của chị đã được tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cách đây 1 tháng.

“Trước kia, đúng là tôi ủng hộ việc mở cửa trường học vì các con đã học online quá lâu. Nhưng những ngày qua, số ca F0 tại Hà Nội liên tục tăng cao, mỗi ngày hàng nghìn ca nhiễm khiến tôi thật sự rất lo lắng. Việc đi học lúc này quả thực rất mạo hiểm”  - chị Trà My nói.

Cùng quan điểm như trên, chị Lê Thu Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng: “Đành rằng học sinh đã tiêm vaccine COVID-19 nhưng nếu chẳng may mắc bệnh, những di chứng để lại sẽ theo các cháu suốt đời. Chưa kể hiện nay, còn xuất hiện biến chủng mới Omicron cực kỳ nguy hiểm. Các cháu đã học online gần 1 năm qua rồi, chậm lại thêm một thời gian cũng không thành vấn đề. Học hành là chuyện cả đời, sức khỏe mới là trên hết”.

Chị khẳng định rằng, ra Tết, dù trường học có mở cửa, chị nhất định sẽ không cho con đến trường. Khi nào dịch bệnh được kiểm soát, cảm thấy thật sự yên tâm, chị sẽ cho con đi học trở lại.

"Không thể cứ giữ học sinh ở nhà mãi được"

Trái ngược với quan điểm của chị My và chị Hương, anh Nguyễn Công Mạnh (Ba Đình, Hà Nội) lại ủng hộ phương án mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đưa ra. Anh nhận xét, việc cân nhắc đề xuất cho học sinh khối 7 - 12 trở lại trường sau Tết Nguyên đán là hoàn toàn hợp lý.

“So với các tỉnh thành khác, Hà Nội thận trọng hơn trong việc mở cửa trường học. Sau Tết là thời điểm thích hợp để các cháu đi học trở lại. Người lớn đã trở về với cuộc sống bình thường mới, đi làm, đi chơi, tụ tập ăn uống… thì trẻ con cũng vậy, cũng phải thích ứng và sống an toàn với dịch bệnh” - anh Mạnh nói.

Tuy nhiên, anh Mạnh đề xuất, Bộ Y tế cần tính toán lại phương án xác định mức độ dịch, không thể đếm số ca mắc để quyết định màu vùng dịch.

“Tôi ủng hộ việc cho học sinh đi học trở lại. Nhưng cách làm như Hà Nội hiện nay, tôi hoàn toàn không ủng hộ. Hà Nội dân cư đông đúc, người dân không bó hẹp trong phạm vi 1 quận nào đó. Nên việc 1 quận thay đổi mức độ dịch chỉ trong thời gian ngắn là điều dễ hiểu.

Chưa kể, học sinh cũng vốn không phải chỉ ở 1 quận, có thể từ các quận khác đến với cấp độ dịch khác nhau. Vậy nên, nếu việc học cũng chạy theo mức độ dịch như vậy là điều không hề hợp lý” - anh Mạnh phân tích.

Dưới góc nhìn của chuyên gia y tế, PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng, hiện nay, trẻ em đã được tiêm vaccine ở một tỉ lệ nhất định. Hơn nữa, cả nước đã thích ứng, tiến tới sống chung với dịch COVID-19, vì thế cũng cần cho học sinh trở lại trường để được đi học và trở lại cuộc sống bình thường.

"Tôi cũng đã khuyến cáo Hà Nội và các tỉnh thành về vấn đề này rằng, nên sớm cho trẻ em đi học. Tuy nhiên, Hà Nội và địa phương vẫn còn dè dặt"- ông Phu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn