MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, cần chấm dứt, ngăn chặn dạy theo văn mẫu. Ảnh minh họa: Thiều Trang.

Yêu cầu chấm dứt dạy Ngữ Văn theo văn mẫu, giáo viên, học sinh nói gì?

Tường Vân LDO | 11/11/2021 15:36

Trước quan điểm chấm dứt, ngăn chặn dạy theo văn mẫu của Bộ trưởng Bộ GDĐT, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều của giáo, học sinh xoay quanh vấn đề này.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo sáng 11.11, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy và học theo văn mẫu ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, tình cảm chân thành của học sinh và cần chấm dứt tình trạng dạy, học theo văn mẫu.

"Cần chấm dứt, ngăn chặn dạy theo văn mẫu. Vì dạy theo văn mẫu, đặc biệt là giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh học thuộc rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đề cao tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người của môn Ngữ Văn, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, sắp tới, ngành sẽ có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn. Các công việc kiểm tra đánh giá, dạy học, biên soạn học liệu cũng sẽ được triển khai.

Là giáo viên dạy tiểu học, cô Lê Thị Dinh (Hà Nội) cho rằng, quan điểm mà Bộ trưởng Bộ GDĐT là rất đúng đắn và cần sớm thực hiện. 

Theo cô Dinh, học sinh khi được bồi đắp, rèn từ bậc tiểu học tư duy sẽ tốt, càng lên lớp càng dễ tiếp thu bài.  

"Trẻ con khi đọc nhiều văn mẫu sẽ bị phụ thuộc, không thể tự mình diễn đạt, mất đi khả năng sáng tạo, chủ động và yêu thích việc học.

Bên cạnh đó, giáo viên dạy văn cũng cần 1 tâm hồn nhân văn, cần thấu hiểu tâm tư của từng học sinh, tìm tòi, suy nghĩ các cách hướng dẫn cho học sinh thay vì dạy theo văn mẫu...." - cô Dinh nói. 

Cùng quan điểm nêu trên, em Tuấn Phương, học sinh lớp 10 tại Hà Nội cho rằng, việc chấm dứt dạy học theo văn mẫu cần được sớm thực hiện.

"Em cảm thấy rất khổ sở khi học môn Ngữ Văn vì các thầy cô áp đặt bọn em theo khuôn mẫu, lối mòn. Chúng em bị kìm hãm sự phát triển của trí tưởng tượng và thậm chí còn bị trừ điểm vì viết bài không đúng theo ý của cô" - Tuấn Phương chia sẻ. 

Bàn về vấn đề này, chị Đỗ Phương Hảo (Thanh Hóa) lại cho rằng, về bản chất, văn mẫu không hề xấu và không nên cấm hoàn toàn trong việc dạy học mà nên có phương pháp để việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất.

Lý giải về quan điểm của mình, chị Hảo cho rằng, học sinh đọc những bài cô cho chép hoặc đọc sách văn mẫu cũng là một cách để các em củng cố được cách dùng câu từ, cải thiện kỹ năng Tiếng Việt. 

"Trước hết phải có cuộc điều tra trong cả nước có bao nhiêu phần trăm giáo viên đang dạy theo văn mẫu rồi mới đưa ra đánh giá chất lượng giáo viên, phương án thay đổi. Không thể đánh đồng tất cả giáo viên hiện nay đều dạy học sinh theo hướng đọc, chép văn mẫu. 

Bản thân tôi trước kia cũng là dân Văn và cũng nhờ vào những cuốn văn mẫu, bài văn mẫu của giáo viên mà tôi có thể rèn luyện được rất nhiều kĩ năng, phát huy sở trường của mình. Và khi kèm cặp, hướng dẫn con cháu học bài, tôi vẫn luôn khuyến khích các em tham khảo văn mẫu, coi đó là kênh học tập, rèn luyện hiệu quả" - chị Hảo nói. 

Cùng quan điểm như trên, em Minh Ánh (học sinh lớp 10) cho rằng: "Bản thân em thấy văn mẫu cũng có rất nhiều ích lợi. Đây là kênh để em có thể tham khảo, viết bài hay hơn và có hứng thú hơn trong việc học. Từ văn mẫu, em có thể nắm được các ý chính và từ đó, triển khai các ý theo khả năng, tư duy của mình. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh phải học trực tuyến thì việc tự tìm tòi, nghiên cứu là điều rất cần thiết" - Ánh chia sẻ.

Bên cạnh đó, Ánh thú nhận, em cảm thấy khá băn khoăn và hoang mang khi nghe tin sẽ cấm sử dụng văn mẫu trong dạy học.

"Ngay từ bậc tiểu học, việc học văn của chúng em đã quá quen thuộc với văn mẫu. Nếu bây giờ đột ngột cấm thì quả thực rất khó khăn đối với chúng em, đặc biệt là những bạn không có năng khiếu và học kém môn Ngữ Văn" - Ánh bày tỏ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn