MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tặng hoa tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Ảnh: Minh Hà

Yêu nghề, nghề sẽ yêu

Tường Vân LDO | 19/11/2022 10:12

Nghề giáo luôn được coi là “nghề cao quý” bởi thầy cô là những người trực tiếp tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển đất nước ngày một phồn vinh, vững mạnh trong tương lai. Kỳ vọng của xã hội càng lớn, áp lực đặt lên vai các thầy cô càng nặng nề. Dù vậy, mỗi thầy cô vẫn luôn tận tụy với nghề, bởi ai cũng có niềm tin mãnh liệt: Yêu nghề, nghề sẽ yêu.

Nghề cao quý

Cầm trên tay bó hoa, Khánh Linh - sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế Quốc dân di chuyển vào Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để thăm lại trường xưa. Trở về mái trường từng gắn bó, ký ức của 4 năm trước như ùa về, khiến Khánh Linh không khỏi bồi hồi, xúc động.

"Em luôn coi giáo viên không chỉ là người thầy mà còn là người mẹ thứ 2 của mình. Về lại trường cũ trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, nhìn các em học sinh tập văn nghệ, chuẩn bị hoa dành tặng thầy cô, lòng em cảm thấy vô cùng rộn ràng. Em cảm giác như mới hôm qua em được ngồi trên ghế nhà trường, được trò chuyện vui vẻ cùng thầy cô, bạn bè. Em càng xúc động hơn nữa khi được gặp lại thầy cô, những người năm xưa đã dìu dắt, chỉ bảo chúng em nên người” - Khánh Linh bày tỏ.

Còn với Ngô Phương Trang - sinh viên năm cuối, Trường Đại học Giáo dục, Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay thật đặc biệt, bởi chỉ vài tháng nữa thôi, em sẽ ra trường, được đứng trên bục giảng, truyền ngon lửa tri thức tới các thế hệ học trò.

“Ngày 20.11 không chỉ thầy cô, mà sinh viên sư phạm chúng em cũng nhận được rất nhiều lời tri ân, sự quan tâm của các em học sinh, phụ huynh. Ngày này, em luôn nhớ tới các thầy cô giáo năm xưa đã dạy em” - Phương Trang bày tỏ.

Yêu nghề và cảm nhận được nghề yêu

Gắn bó lâu năm với nghề, cứ mỗi dịp 20.11, cô Nguyễn Phương Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại bồi hồi, rộn ràng khi nghĩ về nghề giáo. Cô Hoa chẳng ngại ngần chia sẻ, đã có không ít lần cô buồn tủi bởi phải đối diện với quá nhiều áp lực. 

"Niềm vui nhất đối với tôi là được học sinh, phụ huynh, giáo viên tin tưởng, tin yêu. Nếu cho tôi lựa chọn lần nữa, tôi vẫn lựa chọn nghề giáo" - cô Hoa xúc động nói. 

Còn cô Lương Thị Loan - giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại luôn quan niệm, mỗi một nghề sẽ có thành công riêng. Thành công của người thầy là có những thế hệ học sinh tương lai trở thành người có ích, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

“Nhìn thấy các con mỗi ngày một lớn là động lực để bước tiếp, yêu nghề hơn. Tôi đã gắn bó với nghề 18 năm và càng thêm vững tin với nghề. Tôi luôn muốn mình sẽ là người tràn đầy năng lượng, đem đến cho học trò những gì tốt đẹp nhất" - cô Loan mỉm cười.

Xưa và nay, lúc nào vị thế của người thầy cũng được xã hội trân trọng. Thế nhưng thực tế, đời sống của nhiều giáo viên còn khó khăn, áp lực. Áp lực đến từ việc giảng dạy kiến thức chuyên môn, áp lực từ sự đổi mới, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi để thích ứng. Áp lực còn đến từ phụ huynh, xã hội bởi giáo dục luôn được xã hội quan tâm và sự kỳ vọng càng lớn thì áp lực lại càng nặng nề.

Áp lực luôn hiện hữu nhưng mỗi thầy cô đều luôn có cách riêng vượt qua, khắc phục khó khăn để tìm thấy niềm vui mỗi ngày đến trường. Mong mỏi lớn nhất của các thầy cô là được xã hội quan tâm, đồng hành, thấu hiểu và sẻ chia để có thêm động lực, vững tâm cống hiến cho sự phát triển của toàn ngành.

"Giáo viên chúng tôi luôn cảm thấy tự hào vì vừa mang lại tri thức nhưng cũng giúp các em học sinh được giáo dục, hình thành nhân cách. Tôi luôn quan niệm và động viên thầy cô, muốn làm được người thầy phải có sự tự tin và bản lĩnh. Có 2 điều đấy thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua. 

Tôi tin rằng thời gian tới, Nhà nước sẽ có thay đổi, sự nhìn nhận của xã hội đối với người thầy sẽ ngày càng tốt hơn. Giáo viên chúng tôi luôn yêu nghề và cảm nhận được "nghề yêu" - cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức bày tỏ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn