MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị N.T.H, sinh 1994, thị trấn Đồng Lê, Quảng Bình cố tình băng qua đường ngang, bị tàu hỏa SE2 đâm tử vong. Ảnh: PV

1 tháng xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông đường sắt

Q.Hiệu LDO | 26/08/2019 10:47
Những ngày gần đây, liên tiếp trên cả nước đã xảy ra những vụ tai nạn đường sắt thương tâm, trong đó, có cả địa bàn thủ đô Hà Nội, để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

1 tháng 27 vụ tai nạn giao thông đường sắt

Hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt đều xảy ra tại các vị trí giao cắt, tại đường ngang có biển báo, lối đi tự mở.

Nguyên nhân của các vụ tai nạn được xác định chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát, không chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường sắt – đường bộ.

Báo cáo của ngành đường sắt cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 7.2019, cả nước đã xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông đường sắt, khiến 17 người tử vong, 23 người  bị thương.

Hà Nội có tới 560 giao cắt cùng mức

Hà Nội là địa phương có tới 6 tuyến đường sắt chạy qua, với tổng chiều dài 162,11 km. Đây là một trong những địa phương có tình trạng vi phạm trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt phức tạp nhất. Chỉ riêng giao cắt cùng mức hiện có 560 giao cắt, bình quân có 3,45 giao cắt/km, vào loại cao nhất của cả nước.

Qua ghi nhận thực tế, tuyến đường Lê Duẩn, TP.Hà Nội là một trong những tuyến có mật độ giao cắt giữa đường bộ và đường sắt gần nhau nhất trên địa bàn thành phố. Tại ngõ 10 đường Điện Biên Phủ, cuộc sống, sinh hoạt của người dân tại đây dường như đã gắn liền với đường sắt, bất chấp nguy hiểm.

Không khó để tìm thấy những điểm ngang tự phát của người dân. Từ việc xây kiên cố bậc tam cấp lên xuống, cho tới những thang gỗ tự làm bắc qua đường sắt, nhiều đoạn hàng rào an toàn đường sắt đã bị người dân cắt bỏ một đoạn để mở lối đi riêng cho mình.

Mới đây, sáng 8.7.2019, trong khi băng qua đường ray để đi vệ sinh, một người đàn ông khoảng 60 tuổi đã không quan sát và bị tàu hoả Bắc - Nam mang số hiệu SE 11 cán tử vong tại chỗ. Sự việc xảy ra trên đường Giải Phóng, địa phận phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, trong sự bàng hoàng của rất nhiều người dân.

Làm đường gom, thảm nhựa: Không thể chậm trễ

Trên thực tế, khoảng cách giữa đường bộ và đường sắt song song khi đi theo hướng đường ngang thì phía sau rất khó quan sát, tầm nhìn hạn chế. Nếu không dừng lại, chú ý quan sát sẽ dẫn tới nguy cơ cao TNGT.

Theo Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, trong tổng số các vụ tai nạn giao thông giữa đường sắt và đường bộ, thì có tới 70% số vụ tai nạn xảy ra tại những điểm giao cắt tự phát do người dân tự ý lập ra.

Thiếu tá Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội CSGT đường sắt - Phòng CSGT - CATP.Hà Nội cho biết, từ  đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra 11 vụ TNGT đường sắt, làm chết 10 người. Điều đáng chú ý, các nạn nhân đều từ các tỉnh khác đi qua địa bàn TP, nhiều trường hợp bỏ xe máy, ôtô ven đường rồi đi vào đường sắt để vệ sinh, nghe điện thoại dẫn tới tai nạn thương tâm.

"Đơn vị cũng đã có kiến nghị với ngành đường sắt sớm thảm mặt đường ngang, làm các rào chắn, đường gom. Tuy nhiên, việc xử lý các kiến nghị này rất chậm hoặc không được quan tâm" - đại úy Giang thông tin.

Theo Bộ GTVT, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm khi để phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật. Đến năm 2020, hoàn thành xây dựng hồ sơ quản lý đối với các lối đi tự mở và đến năm 2025, kiên quyết xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn