MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án cầu Tăng Long dang dở trên đường Lã Xuân Oai (Thành phố Thủ Đức). Ảnh: Anh Tú

4 cây cầu xây dang dở chờ ngày “hồi sinh” ở TPHCM

MINH QUÂN LDO | 11/09/2022 16:20

TPHCM - Cầu Nam Lý, Tăng Long, Phước Long và Tân Kỳ - Tân Quý là 4 cây cầu xây dang dở rồi “trùm mền” nhiều năm qua đang được đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để tái khởi động lại.

Tại Thành phố Thủ Đức, cầu Tăng Long và Nam Lý “trùm mền” nhiều năm nay là nỗi khổ kéo dài của người dân nơi đây.

Dự án cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu trên đường Lã Xuân Oai (Thành phố Thủ Đức) khởi công năm 2017, thay thế cho cầu cũ cạnh đó đã xuống cấp. Cầu dài 680 m, trong đó phần cầu dài 231 m chia làm 2 nhánh, mỗi nhánh 11 m và lề đi bộ.

Kế hoạch hoàn thành năm 2019 nhưng cầu mới đạt hơn 30% khối lượng rồi "trùm mền" suốt 3 năm qua. Do phát sinh chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ 450 tỉ đồng lên 688 tỉ đồng (tăng 238 tỉ đồng). Cụ thể, chi phí giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật từ 99,5 tỉ đồng lên 337,7 tỉ đồng.

Tương tự, dự án cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp với vốn đầu tư 857 tỉ đồng khởi công năm 2016 nhằm thay cầu Cống đập Rạch Chiếc - vốn nhỏ hẹp và xuống cấp. Cầu được xây dựng dài 450 m, rộng 20 m và đường dẫn dài 300 m, rộng 30-37 m.

Công trình dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng đến năm 2019 mới đạt khoảng 39% khối lượng và ngưng thi công từ đó đến nay để chờ mặt bằng.

Hiện trạng cầu Nam Lý là những khối bê tông đứt quãng. Ảnh: Anh Tú

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư), cho biết đang cùng chính quyền địa phương nỗ lực để khởi động lại 2 dự án này theo yêu cầu của lãnh đạo TPHCM.

UBND Thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng 2 cây cầu nêu trên vào tháng 12.2022. Nếu có mặt bằng, cầu Nam Lý sẽ được xây dựng hoàn thành sau 12 tháng và cầu Tăng Long sẽ hoàn thành sau 15 tháng.

Dự án xây dựng cầu Phước Long bắc qua rạch Phú Xuân nối quận 7 và huyện Nhà Bè, trên đường Phạm Hữu Lầu cũng nằm trong danh sách các cây cầu dang dở nhiều năm ở TPHCM.

Công trình dài 380 m, tổng vốn đầu tư gần 398 tỉ đồng, thực hiện giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên, đến tháng 2.2020 dự án mới khởi công và thi công xong một số trụ cầu thì tạm ngừng do chưa được bàn giao đủ mặt bằng.

Dự án chậm triển khai nên “đội vốn” lên 748 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật từ 166 tỉ đồng lên 515 tỉ đồng.

Huyện Nhà Bè cam kết bàn giao mặt bằng trong năm 2023, còn quận 7 hứa bàn giao trong quý 4.2022 để chủ đầu tư khởi động lại dự án cầu Phước Long.

Một dự án cũng trì trệ nhiều năm là cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) khởi công đầu năm 2018 theo hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 312 tỉ đồng, sau nâng lên 668 tỉ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian thi công, chờ thu phí hoàn vốn. Cầu dài hơn 80 m cùng đoạn đường dẫn 225 m được xây dựng nhằm thay cầu cũ bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, thời điểm công trình dự tính hoàn thành nhưng mới đạt 70% khối lượng rồi “trùm mền” đến nay. Nguyên nhân do dự án không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm BOT trên đường hiện hữu).

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân), ngừng thi công gần 4 năm qua. Ảnh: Anh Tú

Mới đây, Sở GTVT TPHCM đề xuất chi khoảng 492 tỉ đồng vốn ngân sách thành phố để khởi động lại dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý, bao gồm chi phí thanh toán cho nhà đầu tư đã thực hiện và chi phí đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại.

Nếu được thông qua, trong năm nay, dự án sẽ được lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và thanh toán chi phí thực hiện cho nhà đầu tư. Dự án sẽ được giải phóng mặt bằng, thi công các hạng mục còn lại trong hai năm tới để khai thác vào năm 2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn