MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

4 toa tàu của tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã về đến Hà Nội lúc rạng sáng

Phạm Đông LDO | 20/10/2020 06:34

Các toa tàu của tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã được vận chuyển từ cảng Nam Hải Đình Vũ tới khu Depot Nhổn (Hà Nội), sau đó lắp đặt lên ray để vận hành thử nghiệm trước khi đưa vào khai thác chính thức.

Theo ghi nhận của Lao Động, hơn 2h sáng 20.10, 4 đoàn tàu của tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã được các đoàn xe chuyên dụng chuyên chở từ cảng Nam Hải, Đình Vũ để về Depot Nhổn, Hà Nội.

Đoàn tàu có 4 toa, được cẩu và xếp vào xe đầu kéo rơmoóc, mỗi xe chở 1 toa. Do đoàn tàu thuộc loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng, chiều cao lớn nên phải xin giấy phép vận chuyển, với hành trình và thời gian cụ thể.

Đoàn tàu đầu tiên của tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã về đến Hà Nội lúc rạng sáng 20.10. Ảnh: Phạm Đông

Bên cạnh đó, để các xe chuyên dụng di chuyển an toàn, các lực lượng chức năng đã phải phân làn, phân luồng giao thông trong suốt hành trình di chuyển.

4 xe chở 4 toa tàu đã phải di chuyển tổng chiều dài quãng đường là 189km. Cung đường vận chuyển là từ cảng Nam Hải Đình Vũ - QL5 kéo dài - QL10, đường nối Thái Bình - Hà Nam, nút giao Liêm Tuyền - QL21 để ra QL1 cũ từ TP. Phủ Lý (Hà Nam). Sau đó đi theo QL1 cũ - đường Giải Phóng (Hà Nội) - đường Vành đai 3 - Lê Đức Thọ (sân vận động Mỹ Đình) - Hồ Tùng Mậu để về Depot.

Xe siêu trường siêu trọng được sử dụng để vận chuyển các toa tàu. Ảnh: Phạm Đông

Đến khoảng 2h30, 4 xe chở 4 toa tàu đã vào đến tới khu Depot Nhổn (Hà Nội) an toàn. Sau đó các toa sẽ được lắp đặt lên ray để vận hành thử nghiệm trước khi vận hành chính thức.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, vào lúc 22h ngày 18.10, các đoàn xe bắt đầu khởi hành từ cảng Nam Hải Đình Vũ để về Depot Nhổn. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ đưa tàu lên nhà ga trên cao S1 để quản lý, trưng bày cho người dân tham quan vào tháng 11.2020.

Các xe chuẩn bị đưa các toa tàu vào bên trong Depot Nhổn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông

Theo đại diện MRB, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án như các gói thầu xây lắp như khó khăn trong việc huy động nhân công và nhập khẩu vật tư, vật liệu có nguồn gốc nước ngoài; các gói thầu thiết bị ảnh hưởng do đa số thiết bị được sản xuất và nhập khẩu từ các đơn vị tại các nước Châu Âu...

Ngoài ra, dự án đang bước vào giai đoạn lắp đặt và thử nghiệm thiết bị và hệ thống, do vậy cần số lượng lớn chuyên gia của nhà thầu và tư vấn từ nước ngoài tới Việt Nam để thực hiện công việc.

Dự kiến trong tháng 11.2020 sẽ tổ chức trưng bày đoàn tàu để cho người dân tham quan. Dự kiến sau Tết Tân Sửu 2021 sẽ triển khai chạy thử. Ảnh: Phạm Đông

Trước đó, đoàn tàu rời cảng cảng Dunkirk (Pháp) vào ngày 2.9 và được nhà sản xuất Alstom (Pháp) vận chuyển về khu vực biển Đông. Đoàn tàu cập cảng Hải Phòng sáng 18.10, sớm hơn một tuần so với dự kiến.

Dự án tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Hệ thống nhà ga của tuyến 8 ga trên cao (ga S1 đến ga S8), 4 ga ngầm (ga S9 đến ga S12).

Cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa. Đoàn tàu có khả năng chuyên chở 944 - 1.124 người/đoàn tàu, với mật độ khoảng từ 6,6-8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35km/giờ, tốc độ thiết kế 80km/giờ.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng Phát triển Châu Á và vốn đối ứng trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn