MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một chốt kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Tô Thế

Băn khoăn nếu uống rượu từ tối hôm trước, hôm sau đi làm vẫn bị phạt nồng độ cồn

Thùy Linh LDO | 13/11/2023 18:05

Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của tài xế khi tham gia giao thông hay không?

Chỉ cấm người dân đã uống rượu bia thì không được lái xe

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh - cho biết, ông ủng hộ quy định trong dự luật cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo ông An, quá trình thẩm tra dự luật cũng có các ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định này có khắt khe quá không. Thế nhưng, cần phân biệt rõ là quy định này không cấm người dân uống rượu bia, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, quán xá mà chỉ cấm người dân đã uống rượu bia thì không được lái xe.

"Vấn đề này liên quan đến an toàn trật tự giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia giao thông"- đại biểu nói, đồng thời dẫn chứng đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng xảy ra do tài xế có uống rượu bia, say xỉn.

Theo đại biểu, thực tế trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định rõ nội dung này và thời gian qua, việc thực hiện quy định uống rượu bia không lái xe đã chứng minh tính hiệu quả.

"Mỗi người có suy nghĩ, ý kiến khác nhau. Song tôi cho rằng cần phải nhất quán và tiếp tục làm quyết liệt việc tài xế đã uống rượu bia là không được lái xe.

Đây là chủ trương tốt, đang triển khai. Điều quan trọng là cần làm chặt chẽ nhưng không gây ảnh hưởng, phiền hà đến người dân.

Cần nói thêm, nếu đã nói đi nhậu, không thể có chuyện uống một hai giọt xong lái xe ra đường. Vì vậy, cần xác định đã uống rồi thì không lái xe mà gọi taxi, xe ôm... đi về", ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Cần quy định rõ “có nồng độ cồn” hay “có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép”

Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại quy định cấm tuyệt đối vì trên thực tế, không chỉ uống rượu bia hay các thức uống chứa cồn khác mà trong máu hay hơi thở người sử dụng có nồng độ cồn, mà khi chúng ta ăn một số loại trái cây, nước ép trái cây lên men cũng có thể có nồng độ cồn.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, những loại quả chín quá mức hoặc có hàm lượng tinh bột cao sau một thời gian, lượng đường trong quả sẽ chuyển hóa thành rượu. Lúc này, chúng đã trở thành sản phẩm có chứa cồn.

Ví dụ cơm nếp sau một thời gian lên men trở thành rượu nếp, quả nho để lên men trở thành rượu nho… Quy trình để hoa quả trở thành một sản phẩm chứa cồn là: Tinh bột - đường - enzym lên men - rượu - axit.

Nhiều loại trái cây khác như nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, xoài, thậm chí là một số loại siro ho hay thuốc uống khi lên men khi ăn vào cũng xảy ra hiện tượng trên. Chúng ta để ý vị giác cũng có thể nhận ra, bởi những loại quả trên khi để lâu ngoài môi trường sẽ có mùi cồn đặc trưng, thậm chí qua thời gian dài tiếp tục được chuyển hóa sang dạng axit nên có mùi chua.

Vì thế những người nào ăn quả chín quá mức lên men biến thành rượu thì người đó đã tiêu thụ sản phẩm có cồn. Dù ăn ít hay nhiều thì máy đo vẫn báo có nồng độ cồn trong khoang miệng.

Góp ý về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị cần phải quy định rõ “có nồng độ cồn” hay “có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép”.

“Cần thiết kế lại quy định theo hướng chúng ta có thể lựa chọn mức nồng độ cồn thấp để quy định không được vượt quá, nếu không đôi khi không uống gì, thổi cũng lên nồng độ cồn. Quy định này cần có sự hợp lý, có lộ trình cụ thể để người dân dần hạn chế, tiến tới không sử dụng rượu bia trước khi lái xe”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) cho rằng, nếu quy định như vậy, tất cả phương tiện xe thô sơ, xích lô, xe kéo cũng có thể vi phạm và việc soạn luật cần phải khả thi.

"Nếu uống chút rượu rồi đi xe đạp mà cũng bị phạt, việc triển khai luật sẽ khá phức tạp. Việc người dân uống rượu từ buổi tối hôm trước mà sáng hôm sau đi làm, trong máu vẫn còn nồng độ cồn, nếu phạt cũng rất băn khoăn. Do đó nên có hình thức quy định để có ngưỡng nồng độ cồn ở mức nào thì bị phạt"- đại biểu Phạm Như Hiệp nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn