MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe hợp đồng, xe limousine đón trả khách tại khu vực sau BigC Thăng Long gây mất TTATGT. Ảnh: Đ.T

Bất cập trong quản lý xe hợp đồng, xe limousine

Đặng Tiến LDO | 12/07/2022 07:20

Tại Hà Nội, xe hợp đồng, xe limousine hoạt động tại các khu vực Mỹ Đình, Giáp Bát, công viên Thống Nhất… nhộn nhịp, tạo thành những bến xe không phép, gây mất TTATGT, tiềm ẩn nguy cơ TNGT và mất trật tự nhưng chính quyền vẫn đứng ngoài cuộc.

Lách quy định để mở bến đón trả khách

Theo ghi nhận trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, các xe Limousine ngang nhiên dừng, đỗ đón, trả khách sai quy định.

Cụ thể, tại khu vực Nam Trung Yên (sau BigC Thăng Long, các tuyến phố như: Nguyễn Quốc Trị - Tú Mỡ, Đinh Núp) có khoảng 3 - 4 DN nghiệp vận tải khách theo hình thức xe hợp đồng, xe limousine và hàng chục xe tiện chuyến, ghép chuyến đã khiến việc đón trả khách tại khu vực này nhộn nhịp không khác gì một bến xe, gây mất TTATGT và trật tự xã hội của khu vực.

Tại phố Trần Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội (cạnh bến xe Mỹ Đình) hàng loạt các nhà xe chạy các tuyến như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai… đã mở văn phòng để đón/trả khách mà hầu như không vào bến. Nhiều xe hợp đồng, xe limousine còn mở các điểm đón trả khách tại các ngõ nhỏ, trong khu dân cư như nhà xe Hoàng Đông đón khách tại ngách 62/2 phố Trần Bình gây bức xúc cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, việc các DN vận tải thành lập các văn phòng để đón trả khách thực chất là các bến cóc, các địa phương phải quyết liệt dẹp bỏ.

Ông Thanh cho hay, nếu chỉ dùng các biện pháp hành chính thì không khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”, đây là vấn nạn bao năm nay mà ngành vận tải không giải quyết được, bởi không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, hành khách ngày càng phát triển mà vẫn dùng các biện pháp hành chính để cưỡng bức họ phải ra bến, trong khi tiền cước taxi từ nhà ra bến xe đắt hơn tiền từ bến xe về các địa phương cần phải đến.

Do đó, cần phải quy hoạch bến xe, đặt bến xe như thế nào cho phù hợp với việc đi lại của người dân. Hiện nhu cầu đi lại của người dân cũng rất khác, không ôm đồm hàng hoá cồng kềnh, nên nhu cầu là những chiếc xe vận tải khách nhỏ, gọn sạch sẽ.

Cũng theo ông Thanh, phải dẹp bỏ các bến cóc, xe dù mà trách nhiệm đầu tiên là của chính quyền địa phương và lực lượng công an, thanh tra GTVT phải xử lý quyết liệt và có thể cấm hoạt động. Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải tổ chức lại hoạt động vận tải, xây dựng các bến xe văn minh, hiện đại đáp ứng được nhu cầu của hành khách.

Văn phòng không thể là bến xe

Đại diện Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, CA TP.Hà Nội) cho biết, khu vực Bến xe Mỹ Đình là một trong những tuyến “nóng” về tình trạng xe chở khách trá hình là xe hợp đồng. Do đó, lực lượng chức năng phải tăng cường quân số, áp dụng các nghiệp vụ tuần tra, trinh sát để đấu tranh với các vi phạm.

Theo ông Lê Xuân Tiến - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội - ngoài việc xử lý lái xe, đơn vị cũng quan tâm nhiều hơn đến việc xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải với các mức chế tài tăng nặng. Lực lượng TTGT cũng tăng cường xử phạt thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Cũng theo ông Lê Xuân Tiến, Thanh tra GTVT sẽ tập trung lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong khâu phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách, đặc biệt là xe hợp đồng. 

Trước bất cập trong quản lý phương tiện xe đi chung, đi ghép Bộ  GTVT vừa có văn bản số 6728/BGTVT-VT gửi UBND các địa phương đề nghị việc kiểm tra, xử lý xe vận chuyển hành khách (xe ghép, xe tiện chuyến) không đăng ký kinh doanh theo quy định.

Để tăng cường công tác quản lý, thực hiện đúng quy định, đảm bảo ổn định trật tự vận tải, công bằng, công khai, minh bạch, đồng thời tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT đề nghị lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: sử dụng xe ôtô để kinh doanh vận tải nhưng chưa đăng ký kinh doanh; sử dụng xe ôtô chưa chuyển đổi biển số sang màu vàng, chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định của pháp luật để kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Hồng Thắng (Sông Công - Thái Nguyên) cho hay, dù hoạt động trái quy định pháp luật nhưng xe hợp đồng, limousine và xe tiện chuyến, ghép chuyến lại đáp ứng được yêu cầu của người dân vì nó tiện lợi. Do đó, cơ quan chứ năng cần phải tìm cách để đưa loại hình này vào quản lý một cách phù hợp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh vận tải công bằng với các loại hình vận tải khác cũng như an toàn cho hành khách.

Các chuyên gia cho rằng, hiện chưa có chế tài để rà soát và yêu cầu bắt buộc tất cả các xe vận chuyển khách phải đến Sở GTVT địa phương để đăng ký kinh doanh vận tải mà điều này phụ thuộc vào sự chủ động của các chủ xe, doanh nghiệp.

Việc này đã tạo ra tâm lý “lách luật”, thiếu ý thức trong việc chấp hành quy định của Luật Giao thông Đường bộ quy định về Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô của người dân. Do đó, cần bổ sung quy định giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương cấp thấp như xã, phường phải thống kê các hộ dân có xe kinh doanh vận tải trên địa bàn, vận động đăng ký kinh doanh vận tải với Sở GTVT và thực hiện việc nộp thuế theo đúng quy định của Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn