MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bát nháo đào tạo lái xe: ĐH Đông Đô có vi phạm nghĩa vụ sử dụng đất?

Nhóm PV LDO | 22/03/2023 06:17
Cùng với những nghi vấn vi phạm lĩnh vực đầu tư, dự án đào tạo lái xe của Trường Đại học Đông Đô (khu Công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) còn có nghi vấn vi phạm pháp luật về đất đai. 

Góp vốn bằng đất được cho thuê trả tiền hàng năm

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, ngày 9.1.2017, UBND thành phố Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền) đã ký hợp đồng cho thuê đất số 22/HĐTĐ - STNMT - CCQLĐĐ với Trường Đại học Đông Đô.

Theo đó, UBND Hà Nội cho Trường Đại học Đông Đô thuê 33.554 m2 tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. 

Thời hạn thuê từ ngày 20.4.2016 đến ngày 29.7.2056. Hình thức thuê đất, nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Mục đích sử dụng đất để tiếp tục sử dụng cùng với công trình đã xây dựng thực hiện dự án đào tạo lái xe, dạy nghề sửa chữa cơ khí, bảo dưỡng ôtô và vận hành máy công trình.

Thế nhưng, thay vì sử dụng đất theo hợp đồng được thuê từ UBND thành phố Hà Nội, ngày 23.5.2017, Trường Đại học Đông Đô lại ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 18/2017/HĐHT (Hợp đồng số 18) với Công ty Cổ phần Trường An Sinh.

Trường An Sinh là doanh nghiệp được Trường Đại học Đông Đô ký hợp đồng cho thuê làm bãi tập, trung tâm đào tạo lái xe. Ảnh: Anh Tuấn 
Khu đất rộng 33.554 m2 tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội được giao cho Đại học Đông Đô. Tuy nhiên, nhà trường đã giao cho một doanh nghiệp thực hiện làm trung tâm đào tạo lái xe. Ảnh: Anh Tuấn 

Nội dung Hợp đồng số 18 quy định, Trường Đại học Đông Đô đầu tư giá trị sử dụng đất, tiền thuế sử dụng đất, cơ sở hạ tầng cơ bản được xây dựng trên khu đất.

Công ty Cổ phần Trường An Sinh đầu tư vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xin giấy phép của trung tâm đào tạo, trung tâm sát hạch, điều hành quản lý kinh doanh trung tâm đào tạo và trung tâm sát hạch.

Thời hạn hợp tác của 2 bên là 10 năm kể từ khi bàn giao khu đất. Hai bên còn thỏa thuận, trước 3 tháng tính đến ngày hết thời hạn 10 năm, các bên sẽ tiến hành đàm phán để gia hạn hợp đồng.

Quy trình góp vốn phải thông qua cơ quan tài nguyên môi trường

Trao đổi với Lao Động về vấn đề nghĩa vụ của đơn vị sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, Tiến sĩ Đỗ Xuân Trọng - giảng viên bộ môn Luật Đất Đai, Đại học Luật Hà Nội, cho biết:

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm được quy định tại Điều 175 Luật Đất đai 2013.

Đáng chú ý, tại điểm d khoản 1 Điều 175 quy định: Góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;

Điểm c khoản 5 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cũng quy định: Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc thu hồi đất của bên bán, bên góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê để cho bên mua, bên nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất tiếp tục thuê đất;

Ký hợp đồng thuê đất đối với bên mua, nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê; thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế về việc hết hiệu lực của hợp đồng thuê đất đối với người bán, người góp vốn bằng tài sản;

Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật về đất đai, đơn vị sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm có một số nghĩa vụ nhất định. 

Trong trường hợp đơn vị được giao đất trả tiền hàng năm hợp tác kinh doanh với đơn vị khác thì cơ quan tài nguyên và môi trường thu hồi đất của bên góp vốn để giao cho bên nhận góp vốn.

Đối với trường hợp cụ thể là dự án đào tạo lái xe, dạy nghề sửa chữa cơ khí, bảo dưỡng ôtô và vận hành máy công trình, cần làm rõ trước khi Trường Đại học Đông Đô góp vốn đầu tư bằng giá trị sử dụng đất (với Công ty cổ phần Trường An Sinh) đơn vị đã báo cơ quan tài nguyên và môi trường hay chưa? Cơ quan tài nguyên và môi trường đã thu hồi đất của bên góp vốn giao lại cho bên nhận góp vốn theo quy định hay không?

Báo Lao Động cũng đã liên hệ với trường Trường Đại học Đông Đô nhưng cán bộ của trường cho biết, các thầy đang bận. 

Trường Đại học Đông Đô nhận số tiền "khủng" từ Trường An Sinh?

Theo thỏa thuận, Công ty cổ phần Trường An Sinh đã thanh toán 5 tỉ đồng bằng tiền mặt để được quyền hợp tác đầu tư vào dự án.

Ngoài ra, Trường Đại học Đông Đô được hưởng tiền thuê tài sản trên đất từ trung tâm đào tạo, trung tâm sát hạch là 100 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm thuế VAT. Cụ thể như sau: Trung tâm đào tạo: 50 triệu đồng/tháng, Trung tâm sát hạch: 50 triệu đồng/tháng.

Hai bên cũng thỏa thuận, tiền thuê sẽ được Công ty Cổ phần Trường An Sinh/các trung tâm thanh toán cho Trường Đại học Đông Đô theo hình thức chuyển tiền qua tài khoản, theo định kỳ 6 tháng/lần và trong thời hạn 10 ngày đầu của kỳ thanh toán.

Chưa hết, Trường Đại học Đông Đô được hưởng 70% doanh thu từ hoạt động kinh doanh sân tập gồm cho thuê sân tập lái, bãi đỗ xe, cho thuê sân chạy xe chíp.

Như vậy, từ thương vụ hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Trường An Sinh, Trường Đại học Đông Đô đã thu được số tiền hàng chục tỉ đồng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn